Tôn vinh thầy - trò danh nhân Đào Tấn:
Mong chờ những công trình văn hóa xứng tầm
Vùng đất Bình Định tự hào là quê hương của “Hậu tổ tuồng” Đào Tấn và người thầy của ông là nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Nhiều Hội thảo khoa học đã được tổ chức để đánh giá công lao to lớn thầy - trò danh nhân Đào Tấn, song đến nay việc xây dựng công trình văn hóa nhằm tôn vinh những danh nhân này trên quê hương gần như còn chậm.
Những tài năng và công lao được ghi nhận
Năm 2007, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Đào Tấn (1907 – 2007), UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức hội thảo có quy mô lớn về ông với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín ở trong và ngoài nước. Tại hội thảo này, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng từng được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại Từ điển Âm nhạc Thế giới “The New Grove”, đã đánh giá rất cao về Đào Tấn: “Các tác phẩm tuồng của Đào Tấn chứa đựng đầy đủ học thuật ngôn ngữ lẫn giáo dục đạo đức làm người trong xã hội. Xét về khối lượng tác phẩm, Đào Tấn có thể sánh vai, nếu không nói là vượt xa nhiều kịch tác gia thế giới…Chúng ta cũng phải ghi nhận và tôn vinh Đào Tấn như là một danh nhân của nhân loại”.
Sau hội thảo, UBND tỉnh, UBND huyện Tuy Phước đã có nhiều quan tâm trong việc nghiên cứu xây dựng công trình văn hóa xứng tầm tôn vinh Đào Tấn. Do phải trải qua các bước thủ tục trong nhiều năm nên đến tháng 7.2013, UBND tỉnh có chủ trương cho xây dựng Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn theo đề nghị của UBND huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các bước xây dựng đền thờ đến nay vẫn chậm do chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan về địa điểm xây dựng.
Đối với nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu, cuối tháng 5.2012, UBND tỉnh cũng cho tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của ông. Gần 40 tham luận trong Hội thảo của nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá cao cống hiến của nghiệp sư tuồng Nguyễn Diêu đã viết nên những pho tuồng giá trị; có công đào tạo nhiều nghệ sĩ tuồng, trong đó nổi bật là học trò xuất sắc Đào Tấn. Tại Hội thảo, nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đã đánh giá: Di sản của Nguyễn Diêu để lại không chỉ là những pho tuồng tuyệt tác, mà còn là một cách sống, cách làm nghệ thuật dung dị khiêm nhường. Nguyễn Diêu có tầm vóc của những nhà hoạt động văn chương nghệ thuật vĩ đại không những của dân tộc mà còn của cả nhân loại…
Gần hai năm sau khi tổ chức Hội thảo đã trôi qua, chúng tôi tìm đến viếng mộ cụ Nguyễn Diêu (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn) vào sáng ngày 16.4 vừa qua trong tâm trạng ngậm ngùi khi thấy ngôi mộ có vẻ xuống cấp hơn so với lần đến thăm trước đây khi diễn ra Hội thảo. Mà lúc ấy, ngôi mộ của một người đã được các nhà nghiên cứu đánh giá “có tầm vóc” như Nguyễn Diêu sao vẫn nằm trơ trọi giữa cánh đồng, cây cỏ mọc um tùm bao phủ và phía trên mộ các mảng tường bao, cột trụ nhiều chỗ nứt vỡ…
Vì sao còn chậm ?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng công trình Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, UBND huyện Tuy Phước đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực tế địa điểm xây dựng. Qua đó, UBND huyện Tuy Phước đã có tờ trình số 171 ngày 18.10.2013 gửi UBND tỉnh để xin chủ trương về địa điểm xây dựng Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn. Theo đó, UBND huyện Tuy Phước đã chọn phương án 1 trình UBND tỉnh xem xét quyết định với diện tích xây dựng Đền thờ là 3.003 m2, diện tích hành lang QL 19 là 1.390,8 m2.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Qua khảo sát và thảo luận, UBND huyện Tuy Phước đã thống nhất chọn phương án 1 xây dựng Đền thờ tại khu đất gần cổng làng Vinh Thạnh. Đây là khu đất dự phòng do UBND xã Phước Lộc quản lý, kinh phí đền bù thấp hợp với ngân sách của huyện, đồng thời cũng có không gian đảm bảo với quy mô xây dựng Đền thờ và các hạng mục phụ trợ, xứng tầm với danh nhân văn hóa Đào Tấn...”. Được biết, UBND huyện Tuy Phước đã có kế hoạch bố trí kinh phí ngân sách năm 2014 để phục vụ đầu tư xây dựng Đền thờ và đang chờ UBND tỉnh quan tâm xem xét, quyết định địa điểm như đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương lập thủ tục triển khai thực hiện.
Để có cơ sở cho việc đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị mộ Nguyễn Diêu, UBND huyện Tuy Phước cũng đã có tờ trình số 215 ngày 11.12.2013 đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử mộ Nguyễn Diêu. Đây là việc làm ý nghĩa nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu đối với lĩnh vực sân khấu và nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì mộ Nguyễn Diêu đáp ứng được tiêu chí xếp hạng di tích lịch sử văn hóa: “Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử” (Khoản b điều 28 chương IV). Đáng nói là trong kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Sở VH-TT&DL, đã đặt ra việc lập hồ sơ xếp hạng 5 di tích trên địa bàn tỉnh, nhưng lại không có mộ cụ Nguyễn Diêu. Đây là vấn đề Sở VH-TT&DL cần quan tâm xem xét lại….
Hoài Thu