Chào mừng Ngày Sách Việt Nam năm đầu tiên - 21.4.2014:
Chuyện những người yêu sách
Thời nay, khi mà ngày càng có thêm nhiều người không mấy mặn mà với sách, những người bền bỉ chọn sách làm bạn, chấp nhận cắt giảm nhiều nhu cầu khác để thỏa mãn nhu cầu đọc trở thành của hiếm. Ngày Sách Việt Nam (21.4) được tạo dựng như một động thái hỗ trợ những “của hiếm” vừa kể…
Với những người mê đọc, duy trì được thói quen đọc thì khoản đầu tư của họ chẳng những không bao giờ lỗ mà còn lời, tỉ suất lợi nhuận ngày càng to và ổn định…
Nguyễn Đặng Thùy Trang bên giá sách nhỏ của mình.
Nhịn ăn mua sách
Lê Văn Đồng (đang học năm 3, ngành Sư phạm Văn, Trường ĐH Quy Nhơn) có tiếng là người siêng đọc, sở hữu khá nhiều sách hay và thường xuyên mua sách. Đồng mê sách từ khi học phổ thông. Lòng đam mê sách đến đồng thời và lớn dần cùng với tình yêu văn chương trong cậu học sinh Phù Mỹ, song lúc ấy, cơ hội tiếp cận với sách của học trò nông thôn bị hạn chế. “Lên đại học, vào sống ở thành phố - nơi có nguồn sách phong phú, đam mê thuở nhỏ được chắp cánh. Tôi chuyên tâm và cố gắng đọc một cách hệ thống nhất là hai loại sách: văn học và triết học. Với sách văn học, tôi thích đọc các kiệt tác xưa và nay. Cùng với đó, tôi cực kỳ mê sách triết học, đang cố gắng sưu tầm đủ Tủ sách Tinh hoa của NXB Tri thức”, Đồng cho biết.
Lê Văn Đồng cũng như bao sinh viên nghèo khác, tiền gia đình cho mỗi tháng hầu như chỉ đủ trang trải cho các chi phí cần thiết như thuê trọ, ăn, tiêu vặt và mua giáo trình, dụng cụ học tập… Riêng Đồng, nhờ có khả năng sáng tác thơ, văn cộng tác với một số báo, tạp chí văn nghệ nên có thêm một ít nhuận bút. Đây chính là “nguồn thu ổn định” để chàng sinh viên này mua sách. Bạn bè của Đồng hay đùa, rằng tháng ấy, quý ấy Đồng mua được nhiều hay ít sách tùy thuộc vào cái tên Lê Văn Đồng hay bút danh Lê Văn, Tiểu Mục Đồng xuất hiện trên các báo, tạp chí “dày hay thưa”.
Phải đến khi vào Quy Nhơn học đại học, Đoàn Duy Thoại (ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) mới thật sự có khái niệm mua các sách tự chọn ngoài chương trình học và dần dà tích lũy sách. Những năm học cấp 2, cấp 3, ngoài sách giáo khoa, thi thoảng Thoại mới “hạ sơn” xuống Quy Nhơn tìm mua thêm các sách tham khảo, nâng cao, sách văn học trong nhà trường… Còn bây giờ, khi đã nhen nhóm tình yêu lớn với sách, nhu cầu xây dựng và mơ ước về một tủ sách cá nhân luôn thôi thúc Thoại.
Để sở hữu được thêm một vài cuốn sách mới, hay, Thoại gần như phải “đánh đổi”. Hai cuốn sách mới nhất mà Thoại vừa bổ sung vào giá sách của mình- “Hán Văn giáo khoa thư” (tác giả Võ Như Nguyện - Nguyễn Hồng Giao) và “Tự điển Hán Việt” (của Thiều Chửu) là kết quả của rất nhiều ngày chắt chiu dành dụm. “Nhiều khi đi nhà sách, vô tình gặp được cuốn sách hay rồi quyết định mua hoặc đang trong tâm lý chờ mua sách mới của tác giả yêu thích, em đều có “phương án” chi tiêu sau đó. Đó là đóng trước tiền trọ, là mua thùng mì tôm “thủ sẵn”, “giải” được hai nhu cầu thiết yếu nhất là ăn và ở thì sẽ đỡ lo, có “viêm màng túi” thì cũng ở “thể nhẹ””, Thoại nói đầy lạc quan.
“Đầu tư” không bao giờ “lỗ”
Làm bạn với sách từ những năm học tiểu học, đến bây giờ, sau gần 10 năm tốt nghiệp đại học ngữ văn, chị Lê Thị Mai Hồng (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) vẫn giữ thói quen đọc sách và mua sách. Không chỉ đi nhà sách, các nhà sách online như: tiki.vn, vinabook.com, vbook.vn, saharavn.com… cũng là những nơi chị ghé thăm thường xuyên, xem có sách nào mới, sách nào hay… để bổ sung vào tủ sách của mình. “Những lúc cảm thấy buồn, khó chia sẻ với người khác, tôi lại tìm tới sách. Thả tâm trí mình vào một cuộc đời khác, một bối cảnh khác… luôn khiến cho tôi cảm thấy tâm trạng mình phấn chấn, được chia sẻ hơn. Đối với tôi, mỗi cuốn sách đều có nhiều điều thú vị, bổ ích mà mình có thể học hỏi. Mỗi một số phận, cách nhân vật trải nghiệm, tận hưởng hạnh phúc hay đi qua nỗi đau cũng đều khiến người đọc có thể rút ra cho bản thân những kinh nghiệm quý”, chị Mai Hồng chia sẻ.
Sách mang lại tri thức, bồi dưỡng tâm hồn. Với không ít người, kỷ niệm và tình bạn với sách luôn là một phần ký ức tươi đẹp. Như cô sinh viên Nguyễn Đặng Thùy Trang (Trường ĐH Quy Nhơn), trên giá sách nơi bàn học, vẫn còn đó cuốn sách đầu tiên Trang tự mua từ tiền lì xì Tết năm lớp 5, cuốn “Vũ trụ câm” của Vũ Đình Giang. Cuốn sách đặt “dấu mốc” cho tình bạn giữa Trang và thế giới sách khi từ cuốn truyện tự mình chọn mua này, Trang nhận ra trong sách có nhiều điều hay mà mình đã vô tâm, lười đọc.
Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21.4, từ 28.4 đến 30.4, tại tỉnh ta sẽ diễn ra các hoạt động: Lễ Công bố Ngày Sách Việt Nam; Ngày hội bạn đọc, tọa đàm về sách, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc; Tặng sách cho các thư viện, tủ sách cơ sở.
Đôi khi, sách còn là một điểm tựa. Đồng tâm sự: “Trước cuộc sống luôn biến đổi này, nhiều lúc tôi cũng thấy bối rối, chính những lúc ấy, tôi lại tìm đến sách, mong có thể tìm được một tiếng nói nào đó làm điểm tựa cho mình tư duy và nhìn nhận. Có nhiều cuốn sách hay nhưng giá rất cao hoặc nhà sách không có, tôi lại tìm sự trợ giúp từ ebook. Dù là sách giấy hay sách điện tử, theo tôi đều quý như nhau vì lượng tri thức mà chúng mang lại tương đương nhau”.
Các em thiếu nhi tranh thủ đọc sách tại Nhà sách FAHASA Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Sinh viên ở trọ, hầu như không mấy ai sắm giá để sách vì sẽ khá bất tiện trong trường hợp chuyển nhà. Hàng trăm cuốn sách của Đồng được cất trong các thùng giấy “con ngựa”, bên ngoài thùng có ghi loại sách, tên sách để dễ tìm kiếm, cứ vài tháng hoặc đến hè Đồng lại khệ nệ mang bớt về nhà ở quê. Đồng bảo, tuy điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng đọc sách và tiết kiệm tiền để mua sách là điều cha mẹ tôi khuyến khích nên tôi càng có động lực đến với sách. Còn sách của Thoại được xếp thành từng chồng dựa vào tường. So với Đồng, Thoại đến với sách muộn và có ít sách hơn. Hiện tại, không đủ khả năng để mang tất cả những cuốn sách yêu thích về nhà, Thoại vẫn là “tín đồ” của sách ebook. Và giấc mơ về một tủ sách con con vẫn luôn được anh cần mẫn xây từ những “viên gạch” của lòng ham đọc, từ những đồng tiền chắt chiu tích lũy và tình yêu với sách.
SAO LY