“Thầy” hay “Thợ ”?
Trong những ngày gần đây, một trong những vấn được giới truyền thông và dư luận xã hội trong nước chú ý nhiều là chuyện liên quan đến giáo dục. Đó là chuyện đề án sách giáo khoa với khoản kinh phí khổng lồ lên tới trên 34.000 tỉ đồng, chuyện thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp PTTH, chuyện thay đổi cách tính điểm sàn tuyển sinh ĐH,CĐ… Có thể nói chuyện học hành thi cử luôn là các vấn đề “nóng” vì có liên quan đến hàng triệu gia đình, nên mỗi diễn biến trong lĩnh vực này đều được dư luận xã hội quan tâm cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong đường đời của mỗi người thì chuyện học hành thi cử mới chỉ là bước đi đầu tiên, bước chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau này. Thế nên, con số hơn bảy chục ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH nêu gần đây đã khiến thiên hạ phải…giật mình. Thật là một nghịch lý đến lạ lùng khi rất đông người đổ xô vào đại học, để rồi sau khi tốt nghiệp đại học không ít trong số đó lại quay lại học trung cấp nghề để có thể tìm được việc làm; một số khác cũng không ít thì chấp nhận làm những công việc của người học cao đẳng hoặc trung cấp, thậm chí là làm công nhân. Mặc dù lâu nay người ta vẫn hay nói tình trạng bất hợp lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ở nước ta là “thừa thầy thiếu thợ”, nhưng thực tế nói trên cho thấy một sự bất cập khác, đó là không ít sản phẩm của giáo dục đào tạo thuộc dạng “làm thầy cũng dở, làm thợ cũng không xong” (!).
Bây giờ đang là thời điểm bắt đầu chuẩn bị cho một mùa thi, một mùa tuyển sinh mới với sự tham dự của hàng triệu học sinh. Theo thông lệ đa số học sinh tốt nghiệp bậc THCS sẽ vào học THPT, đa số học sinh tốt nghiệp THPT sẽ dự tuyển vào các trường ĐH,CĐ, chỉ một số rất ít “rẽ” vào các trường trung cấp, dạy nghề. Nếu nếp cũ, theo thói quen như lâu nay thì số đông vẫn cứ chạy theo khuynh hướng thích làm thầy hơn làm thợ. Nếu như vậy thì bài ca “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn cứ tiếp diễn, và câu chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn sẽ là… “chuyện thường ngày”.
Đã đến lúc ngành giáo dục đào tạo cần có giải pháp để thực hiện cho được sự phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau các cấp học THPT. Yêu cầu và mục tiêu phải hướng đến là đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động, phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Đây là việc cần và phải làm để tránh đi vào “vết xe đổ” của sự khập khiễng giữa lao động và việc làm, tránh được sự lãng phí trong đào tạo khi chi phí rất tốn kém cả về tài chính, cơ hội nhưng lại không sử dụng được như lâu nay.
Ngoài việc định hướng, phân luồng của hệ thống đào tạo thì điều quan trọng là các bậc phụ huynh và học sinh nên có sự lựa chọn ngành nghề đào tạo và nghề nghiệp thật phù hợp với khả năng, sở thích và điều kiện kinh tế. Chỉ khi được trang bị kiến thức nghề nghiệp vững vàng và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống thì người lao động mới có điểm tựa vững chắc để vào đời. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách đồng bộ về lao động, việc làm, tiền lương..., nhằm khuyến khích cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp. Đây là cơ sở để có quan điểm đúng đắn về giá trị nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp có hiệu quả nhằm hình thành thị trường lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của đất nước.
Hải đăng