Dột
Truyện ngắn của Dương Hằng
Con chó đực nhà bên kêu ăng ẳng, người ta cứ tưởng nó bị chủ nhà cột chân ở xó bếp, nhớ con chó cái não nào mà không ngủ được. Trời chưa sáng hẳn, nó đã đánh thức cả xóm. Đôi vợ chồng bà Xoan đang lúc cao trào cũng giật mình tụt dốc không phanh. Hẫng hụt. Chồng bà Xoan thức dậy xỉa xói con chó nhà bên làm ông mất hứng, mà câu nói như tát vào mặt chủ nó:
“Mới sáng ra đã inh cả làng. Con chó nó khác gì con người đâu ép uổng nó ở xó nhà, đến chủ còn chả chịu được, huống gì chó”.
Nhầm. Nhầm cả rồi. Thằng Cường bị cha nó đánh, chó sợ kêu ăng ẳng. Tiếng chó át cả tiếng người. Chả là mới sáng ra ông trưởng thôn đã qua nhà nó chửi đổng, chửi thằng con mà mặt thằng cha ran rát, mũi cay cay. Thằng Cường nghịch súng nịt dại dột thế nào, bắn trúng vào của quý của thằng cháu đích tôn nhà ông ấy. Thằng cháu ông trưởng thôn nửa đêm kêu đau, khóc nấc lên, miệng hết đổ tội thằng Cảnh, thằng Nhân, đến thằng Cường. Ông Bộ vác cái gánh trưởng thôn chình ình đến từng nhà làm oai. Cha thằng Cường chưa rõ thực hư, cũng lôi thằng con đang ngái ngủ ra thềm nện một trận đòn cho rôm cửa rôm nhà. Gớm, mấy thằng cu đít còn xanh chỏm lỏm, nước mũi xanh lè, chảy xuống đến miệng mới buồn lấy ống tay áo quệt xoẹt một cái rây ra cả má, còn đi chấp chạnh gì chúng nó.
***
Thực ra thằng Cường nó đã lớn rồi, lớn tồng ngồng mà suốt ngày đi chơi với đám trẻ ranh vắt nước mũi chưa sạch. Nó học dốt, nhưng thạo việc đồng áng, mò cua bắt ốc. Chỉ khi nó mang về cả giỏ cua lao xao, mẹ nó mới tớn hớn cưng nựng nó như cún con. Dăm ba bữa vẫn một trận đòn, đều đặn nhất là vào chạng vạng tối, khi đàn gà đã lúc nhúc theo nhau vào chuồng.
Chiều hôm bữa bà đi làm về, nó còn chạy ra khoe tí tởn:
- Bà ơi, chiều qua anh Thái qua gọi cháu thứ bảy này đi họp thanh niên. Thằng Nhân mới chỉ là thiếu nhi, họp sau.
Mẹ nó chôm chỉa ngay:
- Thanh niên cái thằng cha mày, mười bữa gọi dậy chín bữa không buồn đánh răng, tao chắt bóp mãi mới mua được cho thằng em dây sữa mà mày còn uống đi hơn nửa. Ngồi đó mà bốc phét. Chả biết cái giống nào mà chỉ có nước ăn hại, chả làm nên cái đỗng đềnh gì.
Bà ngồi ở khoảng vườn cuối sân, nhặt cỏ cho đám rau cải bẹ đang mùa sâu cắn lá, nghe những lời của con dâu mà chảy ra nước mắt xuống hai gò má hòm hõm. Bà biết thằng Cường không phải cháu nội của bà, nhưng bà thương nó nhất. Có bánh trái gì bà cũng dành cho nó phần nhiều. Mỗi lúc bị đòn, bà lại ôm ấp vỗ về thằng cháu lớn tồng ngồng ấy. Nó là con của ông hàng xóm, mùa ngâu năm đó bà đi bắt cóc, vô tình gặp con dâu đang dấm dúi với ông hàng xóm trong bụi cây phía sau nghĩa địa. Sau này thằng Cường sinh ra, ai cũng bảo nó sinh non, thiếu tháng. Chỉ có bà mới biết nó sinh đủ tháng. Chị viện lý do ấy để khỏa mối nghi ngờ một tháng con trai bà xa nhà không ăn vụng bữa nào. Bí mật ấy, bà nguyện đem theo xuống mồ.
Thằng cháu bị đòn, bà chạy ra can ngăn con trai. Chị chẳng buồn xót con, vẫn nằm ễnh trên giường cho thằng nhỏ bú.
Sáng đó, cha thằng Cường vội vàng sang ngọt nhạt với trưởng thôn, mang sang cho thằng cháu đích tôn của ông ấy gói kẹo dồi. Thằng cháu mặt hơn hớn nhận gói kẹo rồi chạy đi mất hút.
Chưa hết buổi sáng, trời đã kéo mây giăng xám xịt và ừng ực nước. Chị vỗ đùi đen đét, sướng rơn.
- Mưa thế này tha hồ mà nhuyễn bùn, vài hôm nữa là cấy tốt.
Rồi chị quay sang bảo bà:
- Mùa này tôi bận con nhỏ, ruộng bà, bà tự cấy lấy nhé.
Bà ậm ừ đợi con trai lên tiếng mà nó cũng im hơi, nhả khói thuốc lào mãn nguyện. Một lúc sau, cũng chêm vào góp chuyện đôi ba câu:
- Mẹ nó cứ quyết. Nếu mệt quá thì anh thuê người. Không phải lo.
Bà tủi thân khi thằng con bà nuôi hai mấy năm trời bạc bẽo. Chị mặc diện, váy hoa lòe loẹt cũng là thằng con bà lăn lưng ra chiều vợ. Thằng nhỏ sắp đến ngày cai sữa mà chị vẫn béo nung núc, người ta khen bà khéo chăm con dâu. Nghe mà tủi. Bà nhổm người dậy, lấy chiếc xô bé hứng nước dột ở chỗ bà nằm, nhắc bao lần con bà chẳng buồn leo lên mái nhà ken cho kín ngói. Kệ, sống còn được mấy nỗi, mà chắc gì đã chết vì một chỗ dột. Thằng Cường thấy vậy, liền bảo:
- Bà để mai cháu bắc thang lên che chỗ hở lại.
Chị bặm môi, con ngươi đảo ngược lên, dí mạnh tay vào bên hông nó, nói nhỏ mà nghiến răng ken két: “Việc của mày hả thằng ranh”.
Bà nghe thấy hết, nhưng chẳng nói gì. Tối hôm sau thằng Cường vào thì thào với bà: “Cháu đã che kín rồi đấy, bà yên tâm ngủ đi nhé, không sợ mưa nữa đâu”. Nó cười hề hề. Bà véo tai nó: “Cha tổ anh”. Cái thằng toàn nghịch dại và ba hoa, thế mà duy có nó là thương bà. Bà dúi vào tay nó miếng bánh rồng vàng, nói khẽ: “Cầm lấy, bà cho, để dành mai ăn sáng mà đi học”.
Con gái bà bặt tăm gần chục năm nay bỗng nhiên trở về. Lần trở về không hẹn trước, hệt cái lần cô xách hành lý ra đi. Cô mặc váy xòe yểu điệu, đeo lủng lẳng đôi bông tai bằng vàng, chỉ có đôi mắt buồn xa xăm, bảng lảng như mây. Con dâu quay ngoắt làm hiền, nói với bà lời ngọt như đường thốt nốt trong bữa cơm mừng con gái bà trở về.
- O về mà kín tiếng thật đấy, may còn có anh chị chăm sóc mẹ nên chắc o ra đi cũng đỡ lo phần nào.
Cô bùi ngùi nhìn mẹ, mắt rơm rớm nước ân hận khi thấy đôi mắt mẹ mờ đục, và gầy nhom.
- Em đi làm ăn xa lắm. Cũng nhiều lần muốn trở về thăm nhà, nhưng…
Nói đến đó cô bật khóc.
Ngày ấy cô bỏ làng theo gã đàn ông đi làm ăn xa, nghe đâu làm trong xưởng dệt may gì đó. Cô non nớt tin lời gã sẽ giúp cô đổi đời, không ngờ gã đưa cô vào hang sói. Cô cứ ngỡ rằng, cả đời này sẽ bị trói chân ở đó, để phục vụ lũ đực rựa khát thèm những tấm thân mơn mởn. May mắn thay, những cô gái ngây thơ, trinh trắng lớp mới đào thải đi lớp cũ. Cô được giải thoát.
Chị con dâu xua tay:
- Thôi thôi, khóc lóc gì, o về được là cả nhà mừng rồi. Mẹ còn sống sờ sờ ra đó, chị nghĩ o không về cũng chẳng đành lòng.
Bà không tin nổi được, con gái bà đã trở về sau bao nhiêu năm mòn mỏi. Bà ôm ấp con vào lòng, vỗ về. Đêm nay bà được ngủ cùng con gái. Bà khẽ hôn lên mái tóc mềm suôn của con, nước mắt chảy xuôi.
Ở nhà được mấy hôm, cô lại vội vã ra đi với lời hứa mỗi năm sẽ đều đặn về thăm nhà. Cô dúi vào tay bà một bọc tiền, đẩy qua đẩy lại cuối cùng bà cũng nhận.
Bà giấu kỹ bọc tiền. Mấy lần con dâu hỏi dò về số tiền ấy, bà kín bưng. Rồi chị xúi chồng dụ mẹ lấy bọc tiền đó ra cho vợ chồng lấy vốn làm ăn. Bà vẫn kín bưng.
Tối, bà ngồi ở bậu cửa nhặt hạt đỗ để ủ. Mùa này mùa ngâu, mưa nhiều và mát trời, âm ẩm nước, giá đỗ bén nhanh lắm. Bà nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ từ việc trồng rau, bán giá đỗ để mua thuốc thang hôm trái gió trở trời hay mua bánh trái cho mấy đứa cháu nhỏ. Khoảnh vườn bé con con, bà trồng đủ thứ rau mùi, thì là, cải sen… Đông hay hạ, khoảnh vườn cũng xanh rờn, tươi tốt.
Bà bật đài ở bên nghe cho đỡ buồn tai, chốc chốc lại với tay ra sau tự đấm lưng. Con dâu từ trong buồng nói vọng ra:
- Bà có tắt đi cho thằng cháu bà ngủ không thế.
Thế là bà lại phải tắt chương trình dành cho người cao tuổi đang hay. Chị ru con từ lúc ăn xong tới giờ, nó đã chịu ngủ đâu. Ngày nào chị cũng vậy, thằng nhỏ có ngủ từ chập tối, thì ăn xong chị cũng lên giường ôm ấp con. Bảo sao thân cứ béo mầm.
Bỗng nhiên trời đổ mưa lớn, thằng con trai say mèm rượu quyện mắm tôm, bà lại phải lụi cụi dậy đi lùa vịt ngoài ao về. Dính mưa độc, bà ốm một trận nặng. Bà nằm li bì trên giường mấy ngày không dậy nổi. Mỗi lần chị bưng bát cháo gà, dỗ bà ăn cho lại sức, chị đều thỏ thẻ: “Mẹ để tiền ở đâu, con còn lấy mua thuốc thang cho mẹ”. Bà không đáp, quay mặt vào trong. Chị dằn bát cháo xuống giường: “Bà tự xúc mà ăn đi”. Bát cháo nguội dần, cho đến khi ruồi nhặng bâu kín, chị mới buồn mang đổ đi.
Ai cũng nghĩ bà chỉ cảm sơ sơ, nào ngờ trận mưa đánh gục bà trên manh chiếu còn ẩm ẩm bởi những lần mưa dột. Bà chết không ai biết. Chị đi làm đồng về thấy tiếng thằng Cường khóc lóc gọi bà, chị đánh rơi cả cái thúng bên hông, mặt xanh len lét chạy vào lay bà:
- Bà để bọc tiền ở đâu, đến lúc chết bà cũng đem nó xuống mồ luôn hả, sao không cho con cho cháu hưởng hả giời.
Thằng Cường xô nhào mẹ nó xuống đất “Bà tránh ra đi. Để yên cho bà tôi ngủ”.
D.H