Mênh mang hồ Núi Một
Nằm cách TP Quy Nhơn gần 40 km, hồ Núi Một duyên dáng uốn mình giữa dãy núi An Tượng xanh ngắt, tạo nên không gian khoáng đạt, yên bình. Không ít người ví von, hồ nước phía Tây này chẳng khác nào đôi mắt xanh biếc hiển hiện sức trẻ và vẻ đẹp tâm hồn của “cô gái” An Nhơn trong những ngày đầu lên “thị”. Điều đó là không ngoa, bởi nếu trong quá khứ, nơi này là căn cứ địa cách mạng, in đậm chiến công của quân và dân An Nhơn, thì ngày nay, bằng nguồn thủy năng vô tận, hồ chứa nước lớn thứ hai của tỉnh đang chở nặng phù sa về với bát ngát ruộng đồng và chứa trong mình nguồn thủy sản vô tận, mang ấm no về với nhiều người.
Rừng che bộ đội
Khởi nguyên của vùng hồ Núi Một là một quần thể rừng núi hoang vu, hiểm trở. Từ những năm thuộc thế kỷ XVIII, vùng hồ Núi Một này từng là một trong những căn cứ quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn trong cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Nhạc lãnh đạo. Với địa thế hiểm trở, được bao bọc bởi dãy núi An Tượng có hình dáng như con voi khổng lồ phủ phục, những năm kháng chiến chống Pháp, An Trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất, hậu cần cho quân đội.
Ông Thái Bá Học, 80 tuổi, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn), người đã gắn bó với nơi này trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy, nhớ lại: “Làng An Trường cũ sau thời Pháp đô hộ chỉ còn hơn 35 hộ dân sống tập trung phía Bắc và phía Tây sông An Tượng. Năm 1948, Trung đoàn 95 (đóng quân ở huyện An Nhơn) đã biến vùng rừng rậm, hoang vu này trở thành cánh đồng trù phú với lúa, khoai mì, khoai lang, bông vải, bắp, đậu… làm cơ sở hậu cần cho quân đội”.
Bước sang kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa, vùng rừng núi An Trường được lựa chọn làm khu căn cứ kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Tháng 11.1959, nhóm cán bộ tập kết trở về đầu tiên của huyện An Nhơn về đến An Trường và chọn làm căn cứ của các ban, ngành của huyện. Chính từ nơi đây, phong trào cách mạng An Nhơn trưởng thành nhanh chóng. Từ đấu tranh gìn giữ, củng cố lực lượng tiến lên kết hợp khởi nghĩa từng phần, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng địa phương. Đảng bộ và quân dân An Nhơn đã góp phần cùng cả tỉnh và miền Nam làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt, đánh bại chiến tranh cục bộ, đập tan chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, giai đoạn tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Như là một cách lưu giữ, nhắc nhở thế hệ mai sau về những chiến công của cha ông, căn cứ cách mạng An Trường (nay thuộc Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân) đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày tháng 9.2007.
Chở nặng phù sa
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với chủ trương làm thủy lợi để tạo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hàng trăm người dân địa phương đã cùng chung tay, góp sức “nhào nặn” nên một con đập dài, cao hơn 30m, chắn ngang dòng suối An Trường (xuất phát từ huyện Vân Canh) đưa nước về vùng trũng. Hồ tượng hình từ đó.
“Gọi là hồ Núi Một bởi hồ được hình thành tại vị trí lòng suối chắn ngang hòn núi số một của dãy An Tượng”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, lý giải thêm.
Năm 1978, tỉnh ta tiến hành xây dựng kiên cố bờ cản tạo lòng hồ phía trong, tăng dung tích hữu ích lên 90 triệu m3 nước. Mãi đến năm 2000, hồ được nâng cấp một lần nữa nhằm tăng mức độ an toàn cũng như hạn chế khả năng thẩm thấu, đảm bảo khả năng thoát lũ và nâng dung tích lên 110 triệu m3 nước, giải quyết nước tưới cho 6.000 ha đất canh tác cho các xã ở phía Tây Nam thị xã An Nhơn như: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Hòa. Ngoài ra, mỗi năm, hồ Núi Một “san sẻ” từ 30 - 40 triệu m3 nước cho bà con các xã khu Đông huyện Tuy Phước phục vụ tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt.
Nhắc đến sự kiện hồ Núi Một chính thức được ngăn dòng để cung cấp nguồn nước mát lành, ông Trần Ngọc Anh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nhơn Tân, vẫn còn lâng lâng niềm vui khó tả. Ông Anh nhớ lại: “Những năm 1980 về trước, không chỉ bà con sinh sống ở địa phương, mà nhiều xã khác ở phía Tây Nam An Nhơn cũng lâm vào tình cảnh “khát” nước. Lúa gieo sạ chết khô; người dân thiếu nước sinh hoạt; các loại cây trồng cạn thì cằn cỗi, kém phát triển. Vụ lúa trì (lúa ăn nước trời - PV) duy nhất mỗi năm với năng suất đạt rất thấp khiến giấc mơ về một cuộc sống ấm no trở nên xa vời”.
Và rồi, từ ngày hồ Núi Một “mọc” lên, niềm vui và cả những đổi thay như theo dòng nước mát về với từng ngõ nhỏ. Nhà nhà, người người mừng vì mỗi năm, đã có đến 3 mùa, lúa thóc trải vàng đầy sân. Làng quê khoác lên mình chiếc áo mới sau những vụ mùa bội thu. Dẫn chúng tôi đi dọc theo thửa ruộng vừa gặt xong, ông Anh hào hứng khoe với chúng tôi: “10 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã liên tục phát triển với mức tăng trưởng khá. Riêng vụ Đông Xuân 2013 - 2014, toàn xã gieo sạ gần 400 ha lúa; năng suất đạt gần 62 tạ/ha (tăng 3,33 tạ/ha so với cùng kỳ). Dù không sở hữu diện tích đất canh tác màu mỡ nhưng sản xuất nông nghiệp của Nhơn Tân vẫn khả quan. Có được thành quả ấy, bà con Nhơn Tân biết ơn dòng nước chở nặng phù sa từ hồ Núi Một”.
Đong đầy “vựa” cá lớn
Không chỉ là một công trình thủy lợi lớn của tỉnh, hồ Núi Một còn là một “vựa” cá lớn. Trung bình mỗi năm, hồ cho sản lượng từ 30 - 50 tấn cá nước ngọt các loại, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 40 hộ dân của xã Nhơn Tân, đặc biệt là người tại thôn Thọ Tân Nam. Để có dịp “tai nghe mắt thấy” về nhịp điệu hối hả của cuộc mưu sinh giữa lòng hồ, chúng tôi tìm về với hồ Núi Một vào một chiều giữa tháng 4.
Ngược con dốc dài lên đến bờ đập, khung cảnh xanh ngắt của nước, mây, núi trải dài đến ngút ngàn khiến mọi mệt mỏi trong người như tan biến. Càng về chiều, gió kéo về càng nhiều khiến mặt nước mênh mông nhấp nhô những đợt sóng nhỏ. Vài ngư dân chèo thuyền tỏa về các hướng để buông lưới. Theo chiếc thuyền của anh Phan Văn Thành (44 tuổi) và anh Huỳnh Đình Sơn (42 tuổi), cùng ở thôn Thọ Tân Nam, chúng tôi cũng rời bến xuôi về hướng Tây Nam của lòng hồ, hòa vào dòng thuyền đi bủa lưới. Nhìn con nước, xem hướng gió, đoán chắc vị trí trước mặt có luồng cá, anh Thành và anh Sơn liền buông tay chèo, bắt tay vào thả lưới.
Thuyền chầm chậm trôi, vừa buông lưới, anh Thành vừa kể về nghề đánh bắt cá trên hồ Núi Một. Anh bảo: “Bao đời nay, người dân chúng tôi coi nguồn thủy sinh ở hồ Núi Một là một phần quan trọng của cuộc sống. Hầu hết các gia đình tại đây đều có lưới bén, lưới rê, vó, rọ tôm, thuyền nan và cần câu cá. Có nhà đánh bắt đủ cá tôm để cải thiện bữa ăn, có nhà đánh bắt quanh năm để kiếm kế mưu sinh”.
Anh Huỳnh Đình Sơn tiếp lời: “Một ngư dân vào những ngày bình thường có thể đánh bắt trung bình 10 - 15 kg cá, thu nhập được 150- 200 ngàn đồng (sau khi ăn chia với đơn vị chủ quản của hồ). Còn vào mùa khô (khoảng tháng 6 - 7), một ngư dân có thể đánh bắt từ 25 - 30 kg cá/ngày khi dùng lưới bén bình thường. Còn nếu ngư dân sử dụng lưới rê thì có thể bắt được trung bình từ 30 - 40 kg/ngày. Nghề này giúp cho gần 40 hộ dân ở thôn Thọ Tân Nam có công ăn, việc làm trong lúc nông nhàn. Ngày trước, nghề lưới giúp cho họ thoát khỏi cái đói. Ngày nay, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, thì nghề lưới giúp cho họ có của ăn, của để”.
Những người ở Thọ Tân Nam nói riêng và xã Nhơn Tân nói chung gắn với nghề lưới trên hồ Núi Một như một thói quen truyền từ đời này sang đời khác. Những năm gần đây, khi lượng thủy sản trên hồ ít đi, nhiều người chọn phương án đi xa, đánh bắt tại vùng hồ các tỉnh Tây Nguyên hoặc tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, vào mùa khô, những người đi xa lại trở về với “hồ nhà” - như cái cách họ thường gọi về hồ Núi Một.
22 giờ, sau khi được chia vui với bà con nơi đây trong mẻ cá đầu tiên của đêm, chúng tôi trở về. Theo chân chúng tôi là nụ cười tươi rói của anh Sơn khi tận tay gỡ từng con cá ra khỏi lưới, là hình dung về khung cảnh chộn rộn giữa người mua kẻ bán nơi bến cá trên bến thuyền mỗi sáng theo lời kể của anh Thành, là đêm lung linh ánh đèn pin và mát rượi gió hồ…
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI