“Nhạy cảm”!
Tuần rồi, dư luận và truyền thông trong nước bỗng nóng lên về chuyện kê khai tài sản của cán bộ công chức. Thực sự mà nói thì đây đã là chuyện bình thường từ nhiều năm nay với quy định cán bộ công chức phải thực hiện kê khai tài sản thường niên. Tuy nhiên, không phải “bỗng dưng” mà dư luận lại ồn ào lên như thế.
Sự việc chỉ xảy đến khi có những thông tin “nhạy cảm” liên quan đến bản kê khai tài sản của một nữ cán bộ công chức cấp phòng của một sở ở Hà Nội. Bản kê khai này cho thấy tài sản của công chức này tăng thêm lên đến hàng chục tỉ đồng chỉ trong năm 2012, bao gồm mấy căn nhà, nhiều khu đất và 2 xe hơi có giá tiền tỉ mỗi chiếc. Theo nữ cán bộ này, số tài sản tăng thêm này có được là do chồng (cũng là cán bộ công chức cấp phó giám đốc sở) làm thêm “ở bên ngoài”. Dư luận cho rằng việc kê khai và công khai tài sản của nữ cán bộ này là làm đúng theo quy định, nhưng việc giải trình về số tài sản tăng thêm hàng chục tỉ đồng và là kết quả của công việc làm thêm của một công chức hạng trung chỉ trong có một năm, là điều hơi bị… bất thường (!).
Cùng với vụ việc trên còn có một vụ khác cũng khiến dư luận ồn ào không kém. Đó là chuyện liên quan đến một vụ trộm tài sản, xảy ra ở nhà riêng ở tỉnh Gia Lai của một giám đốc sở của tỉnh Kon Tum. Ngay sau khi xảy ra vụ mất trộm, “khổ chủ” đã khai báo tài sản bị trộm lấy mất là… không đáng kể (!). Nhưng sau đó vài tháng, khi công an phá án tiến hành điều tra vụ việc thì thủ phạm khai nhận số tài sản lấy trộm được lên đến 3 tỉ đồng (trong đó có 60 cây vàng 4 số chín). Mất trộm tiền tỉ mà không khai báo đầy đủ để tìm không thể là điều… không đáng ngờ ở trường hợp này.
Nghị định 68/2011/NĐ-CP là quy định mới nhất của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập trong đó quy định phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Người kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ với nội dung kê khai. Điểm mới đáng chú ý là bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang công tác. Do đó, trong một chừng mực nào đó có thể coi việc kê khai tài sản của nữ cán bộ nói trên là đáng khuyến khích về sự trung thực, minh bạch mà cho đến nay việc kê khai như vậy hình như chưa có nhiều.
Được biết, trong năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì một cuộc khảo sát với gần 2.000 cán bộ công chức ở 10 địa phương và 5 bộ ngành. Kết quả cho biết, có 79% cán bộ công chức trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương. Trong số này, có hơn 50% cán bộ công chức trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp, 60% có nguồn thu do tiết kiệm được từ các khoản chi theo định mức khoán, 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, 40% có nguồn thu khác bao gồm cả những khoản thu nhập “nhạy cảm” liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng…
Trong bối cảnh không ít cán bộ công chức có những khoản thu nhập “nhạy cảm” như đã nói thì việc có một đạo luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, nhất là đối với đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn, là rất cần thiết. Việc xây dựng một đạo luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để có được tài sản, thu nhập bất hợp pháp.
HẢI ĐĂNG