Nỗi lo trẻ em đuối nước trong dịp hè
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến chính hè, nhưng những ngày qua, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã xảy ra một số vụ đuối nước rất thương tâm. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các em rủ nhau đi tắm sông, hồ rồi gặp nạn.
“Thủy thần” luôn rình rập…?
Hơn một tháng trôi qua, nhưng không khí tang thương, đau buồn vẫn còn bao trùm gia đình 2 học sinh Trần Quang Thạch, ở khối Thiết Đính Bắc, học sinh lớp 9A1 trường THCS Bồng Sơn II và em Lê Xuân Tùng, ở thôn Đệ Đức 1, xã Hoài Tân, học sinh lớp 12TN5 Trường PTTH Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn).
Ông Trần Thanh Long, ba em Thạch đau đớn kể lại: Sáng 13.3, trước khi cắp sách đến trường, tôi dặn trưa con nhớ về sớm trông em để ba má đi cắt lúa, nó dạ rồi đạp xe đến trường nhưng không ngờ đó cũng là lần đi học cuối cùng của đứa con trai. Hôm đó, sau khi tan trường, 11 em học sinh lớp 9A1 Trường THCS Bồng Sơn II rủ nhau xuống nhà bạn cùng lớp là Bùi Tấn Cường, ở khối 1 chơi và bẻ bắp về nấu ăn. Trong thời gian chờ bắp chín, 4 em Trần Quang Thạch, Nguyễn Bá Sinh, Trương Thanh Bảo Quốc, Trần Trà Gia Huy sang bên kia đoạn sông thuộc thôn Định Bình, xã Hoài Đức tắm thì bất ngờ cả 4 đều bị rơi vào luồng nước sâu do việc khai thác cát để lại. Nghe tiếng kêu thất thanh và nhìn thấy những chiếc đầu chới với giữa dòng nước, anh Huỳnh Văn Quý, đang làm gần đó nhanh chóng bơi ra cứu được 3 em. Riêng em Thạch do bị cát lấp, mất nhiều thời gian tìm kiếm nên đã bị ngạt nước và chết trên đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Nỗi đau này có thể phòng tránh được nếu đơn vị khai thác cát gắn biển cảnh báo vùng nước sâu để bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân khi đến gần.
Tiếp đến, vào ngày chủ nhật 23.3, một nhóm khoảng 20 học sinh lớp 12 Trường PTTH Tăng Bạt Hổ tự tổ chức đi dã ngoại, tham quan chùa Tịnh Viên, thôn Tuy An, xã Hoài Châu Bắc. Tại đây, sau khi ăn uống, một số bạn trai, trong đó có em Lê Xuân Tùng (1996) ra hồ nước tự nhiên phía sau chùa tắm. Do không biết bơi, lòng hồ rộng, mực nước sâu và lạnh làm Tùng đuối sức và chìm dần xuống đáy hồ. Mặc dù được vớt lên nhưng em Tùng đã chết trên đường đi cấp cứu.
Ông Hà Kiên Cường, Phó trưởng công an xã Hoài Châu Bắc, cho biết: “Năm 2013 tại hồ này cũng đã gây chết một học sinh khi xuống hồ nghịch nước. Sau đó chính quyền địa phương đề nghị nhà chùa chú ý cảnh báo cho bà con trong vùng và khách thập phương khi đến chùa cúng, viếng không được tự ý xuống hồ tắm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng; vì lòng hồ hình chảo, rất trơn trợt dễ xuống nhưng khó lên, nước hồ khá sâu và lạnh. Cái chết của em Tùng là đáng tiếc”.
Lại thêm một vụ đuối nước khá đau lòng mới xảy ra vào trưa ngày 12.4 vừa qua, tại thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam. Dù không tắm sông biển, cháu Trần Như Quỳnh (SN 2012) con của chị Huỳnh Thị Nga (1986) lẫm chẫm ở khu vực giếng nhà, trời nóng cháu ra nghịch nước và bị ngã chúi vào xô nước dẫn đến tử vong…
Cảnh báo ngăn ngừa đuối nước
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, năm 2013 trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 vụ đuối nước làm chết 6 em học sinh, và từ đầu năm đến nay, trên địa bàn liên tục xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước làm chết 3 em.
Nhằm hạn chế tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em trong dịp hè, UBND huyện Hoài Nhơn vừa có công văn đề nghị chủ tịch UBND các xã, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan ban, ngành của huyện có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thông qua các buổi sinh hoạt khu dân cư, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, để khuyến cáo các gia đình cần quan tâm đến việc giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè sắp tới. Hạn chế trẻ em đến các khu vực ao, hồ, sông, suối, biển để vui chơi, tắm, bơi lội.
Khi trẻ em tham gia các hoạt động ở khu vực này phải có người lớn đi cùng để bảo vệ. Rà soát, cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm có nguy cơ xảy ra đuối nước để mọi người, nhất là trẻ em cảnh giác. Đối với các chủ cơ sở, dịch vụ tắm hồ, biển phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, các dụng cụ cấp cứu cá nhân; dự phòng để ứng cứu kịp thời khi xảy ra đuối nước; tăng cường các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em như: chum vại, miệng giếng phải che đậy kỹ, làm hàng rào ở những nơi sông nước nguy hiểm, rào quanh hồ, lấp bỏ những hồ nước công trình xây dựng khi không còn sử dụng. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường THCS, TH, MN thường xuyên giáo dục, quản lý nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức về phòng chống đuối nước. Có biện pháp quản lý chặt chẽ khi các em tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại, tránh tổ chức những hoạt động hè ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước.
Bài, ảnh: Diệp Bảo Sương