“Tập huấn” cho giám khảo
Khi đánh giá về thành công của một liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng, ban tổ chức thường chỉ nói đến chất lượng các tiết mục. Tuy nhiên, còn một yếu tố không kém phần quan trọng khác ảnh hưởng đến thành công là sự đánh giá chính xác của những người “cầm cân nảy mực”.
Tại hội thi văn nghệ có quy mô cấp tỉnh của một ngành vừa được tổ chức, một đơn vị có truyền thống văn nghệ quần chúng rất mạnh, lại quan tâm đầu tư mời biên đạo giỏi và huy động lực lượng hạt nhân để dàn dựng chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt, được đông đảo khán giả tán thưởng và những người dàn dựng chương trình của các đơn vị khác đánh giá cao. Tuy nhiên, lúc công bố kết quả, nhiều người đã bức xúc khi giám khảo nhìn nhận chủ quan “chấm điểm ngược” khiến đơn vị này không có tiết mục nào đoạt giải. Cũng trong hội thi, nhiều đơn vị khác cũng không phục khi các ca sĩ của họ có chất giọng hay, kỹ thuật thanh nhạc tốt hơn nhưng giải thưởng lại thấp hơn thí sinh ở đơn vị khác được giảm khảo “quen mặt biết tên”. Một chuyện “hậu trường” trong hội thi này cũng để lại điều tiếng không hay là đa số thành viên ban giám khảo đều có dàn dựng chương trình đơn vị tham gia dự thi. Dù không thực sự nổi bật nhưng các chương trình của giám khảo đều thay phiên nhau “giật” giải cao nhất…
Theo dõi tuyên truyền tại nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng khác trong những năm qua, chúng tôi luôn được nghe phản ánh những hạn chế từ cách chấm điểm của ban giám khảo là thiên vị, không tương xứng với chất lượng nghệ thuật của tiết mục. Điều này không chỉ gây nhiều “ấm ức” cho những người tham gia, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của phong trào văn nghệ quần chúng. Trong các nguyên nhân có một phần không nhỏ là do sự hạn chế về mặt chuyên môn của các vị giám khảo. Có hội thi văn nghệ quần chúng cơ cấu những người trong ban tổ chức không có chuyên môn nghệ thuật để làm trưởng ban giám khảo hoặc giám khảo. Nhiều hội thi có chấm điểm các tiết mục múa riêng, hoặc múa minh họa được đầu tư dàn dựng công phu, nhưng ban giám khảo lại không ai có kiến thức chuyên ngành về múa thì khó có thể đánh giá chính xác…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều người có kinh nghiệm hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng cho rằng nên có sự “tập huấn” cho ban giám khảo của các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng.
Mai Thư