Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa:
Cần thêm nhiều nguồn lực
Công tác vận động toàn xã hội đóng góp xây dựng văn hóa trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đạt được kết quả thiết thực, song vẫn còn những hạn chế, nhất là trong việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Để công tác này triển khai tốt thời gian tới, đòi hỏi việc vận động xã hội hóa phải được thực hiện sâu rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân.
Kết quả bước đầu
Điểm nổi bật công tác xã hội hóa trong xây dựng văn hóa ở tỉnh ta những năm qua là các địa phương, đơn vị đã vận động khá tốt các nguồn kinh phí tài trợ cho việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh. Các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh cũng được tổ chức khá thành công nhờ sự đóng góp quan trọng về kinh phí từ xã hội. Trong đó, năm 2012 ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vận động xã hội tài trợ đến 75 tỉ đồng để tỉnh tổ chức thành công Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV; trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm; xây dựng công trình văn hóa Đàn tế trời đất…
Thành phố Quy Nhơn, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, công tác xã hội hóa văn hóa được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong mấy năm gần đây, đã có hàng chục nghìn cờ phướn, băng rôn tuyên truyền kết hợp với quảng cáo đã được Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP, Trung tâm Văn hóa tỉnh vận động các doanh nghiệp tài trợ thực hiện một cách linh hoạt theo đúng quy định của Nhà nước. Thời gian gần đây, tình trạng quảng cáo, rao vặt tràn lan ở TP đã phần nào giảm bớt nhờ Phòng Văn hóa - Thông tin TP vận động xã hội hóa triển khai lắp đặt 26 cụm thông tin quảng cáo, rao vặt trên vỉa hè những con đường trung tâm nội thành.
Ở các huyện, thị xã trong tỉnh, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đạt những kết quả tích cực. Qua công tác vận động nhiều người dân, doanh nghiệp đóng góp vật chất xây dựng các thư viện, nhà văn hóa phục vụ cho cộng đồng.
Vẫn còn những trăn trở
Tuy đạt được một số kết quả, song công tác vận động nguồn lực xã hội vào xây dựng văn hóa còn những hạn chế. Nguồn kinh phí vận động được hầu hết chỉ mới tập trung vào một số ít lĩnh vực, công trình văn hóa, sự kiện rải rác ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Có những lĩnh vực công tác vận động còn khó khăn, chẳng hạn công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhưng chưa có hướng vận động xã hội hóa để tháo gỡ. Cụ thể, việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đến nay chưa hiệu quả do nguồn vốn huy động xã hội hóa chưa đạt kế hoạch đề ra.
Theo ý kiến của một số cán bộ văn hóa làm công tác vận động cho biết, nhiều doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn nên đã khó “nhiệt tình” dù biết xây dựng văn hóa là sự nghiệp cần sự chung tay của xã hội. Tuy nhiên, không phải cuộc vận động nào cũng thất bại, có những địa phương vận động đúng và trúng đã mang lại kết quả đáng phấn khởi. Năm 2012, UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đã vận động Công ty cổ phần gạch Tuy Nen Bình Định tài trợ 180 triệu đồng để mua 6 bộ cồng chiêng mới cho tất cả 6 làng trong xã, đồng thời thực hiện đúng yêu cầu của nhà tài trợ là tổ chức Ngày hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim. Hướng vận động xã hội hóa hiệu quả như UBND xã Vĩnh Kim là điều cần được các địa phương khác học hỏi…
Không chỉ ở khu vực miền núi, một thực trạng đáng quan tâm là Di sản văn hóa phi vật thể của người dân vùng đồng bằng cũng đang trong tình trạng bị mai một, mặc dù đã đặt ra không ít kế hoạch bảo tồn. Điều này có nguyên nhân từ việc chưa có sự vận động tốt xã hội vào công tác bảo tồn. Mặt khác, xã hội hóa không chỉ đơn thuần là có được doanh nghiệp tài trợ kinh phí, mà còn phải vận động sâu rộng để đông đảo người dân cùng chung tay tạo nên sức sống bền vững cho di sản. Các di sản văn hóa độc đáo của quê hương Bình Định như võ cổ truyền, tuồng, bài chòi đến nay vẫn còn gìn giữ được khá tốt là nhờ vào ý thức bảo tồn của người dân. Vì vậy, nên chú trọng “lấy dân làm gốc” khi vận động xã hội hóa xây dựng văn hóa.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa thể một lúc đầu tư cho các hoạt động bảo tồn nhiều loại hình di sản văn hóa, các công trình phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì vậy, công tác vận động xã hội hóa văn hóa hiệu quả sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực góp phần giải quyết những khó khăn, hạn chế nêu trên.
Hoài Thu