Đom đóm của tôi
Truyện ngắn của MỘC ANH
Tôi thực đã nhìn thấy một con đom đóm, vào buổi tối khi từ cơ quan trở về. Nó bay vào nhà từ lúc nào, đúng lúc tôi định với tay bật công tắc thì hiện ra. Tôi ngẩn người ngắm đốm sáng xanh phía sau đuôi nó, dưới những lớp cánh mỏng manh, màu nâu. Con đom đóm của tôi chỉ lớn bằng con cánh cam, có khi không bằng, ánh sáng xanh nó phát ra cực giống đèn led xanh nõn chuối, hơn cả nõn chuối.
Tôi đem điều này nói với Thành, ngày hôm sau, khi anh trở về nhà. “Vậy hả? Đó là điềm thậm tốt. Chúc mừng em!”. Diễm đi đâu về, vò đầu bứt tóc: “Anh diễn viên Việt kiều khen biểu cảm gương mặt tao rất tốt, mày ạ”. Tôi cầu trời cho anh ta cầu hôn nó luôn cho rồi. Hai tháng nay Diễm thôi làm tạp vụ ở nhà xuất bản, nhận chân phục vụ đoàn phim. Béo bở đâu chẳng thấy, chỉ biết đợt này tôi như bảo mẫu, vừa phải nuôi ăn và cho nó cả tiền tiêu vặt hằng ngày. “Đây là cơ hội để tao tiếp cận ước mơ. Mày hiểu tao nhất mà. Chỉ có mày mới giúp được tao”. Tôi không nỡ chối từ, vì trừ cái ước mơ điên rồ đó, Diễm là một người rất dễ chịu.
Sự dễ chịu đó của Diễm, cộng hưởng với tính cách lầm lì của tôi và điềm tĩnh của Thành đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau. Gần đến mức cùng thuê một căn hộ tập thể nhỏ gồm một phòng ngủ, một phòng khách, một nhà vệ sinh và một gian bếp để ở chung. Thực ra, tôi là người ở phòng nhiều nhất. Diễm đi theo đoàn phim có khi cả hàng tuần mới về. Nếu nhận công trình ở xa, Thành cũng sẽ bặt tăm.
***
Mưa kéo dài mấy ngày liền làm công việc của Thành và Diễm gián đoạn. Diễm ngủ li bì trong phòng. Chiếc ghế sô pha lớn trong phòng khách - giường ngủ thường ngày của Thành cũng được anh ôm rịt. Tôi đành lủi thủi làm việc trên bàn ăn của gian bếp nhỏ. Không hiểu dụng ý gì, người chủ cho trổ một cái cửa sổ ở gian này. Bàn ăn vuông vắn kê bên cạnh, trông giống như bàn của một quán cafe từ trên cao ốc nhìn xuống thành phố. Từ đây, với tay ra là chạm vào tán phượng xanh um. Tôi mới trải qua một mùa hè từ ô cửa sổ này, và thực sự là một thiên đường, nếu Diễm không thường xuyên càu nhàu và Thành luôn làm yên lòng tôi vì những lời khuyên nhỏ nhẹ. Tất nhiên, phải cảm ơn cả căn phòng không có người ở dãy bên kia. Không gian tuyệt đối im lặng.
Nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng là màu hồng. Như lúc này đây, Diễm vừa thức dậy, mở tủ lạnh không thấy một chai nước ngọt nào, nó nhăn nhó đá cánh cửa, như một lời cảnh cáo cho việc tôi quên dự trữ thứ đồ uống mà nó ưa thích. Tôi, Thành và Diễm từng làm chung ở nhà xuất bản nhưng cuối cùng chỉ còn tôi trụ lại được. Diễm thì đương nhiên, cái kiểu nhảy xổ của nó sớm muộn cũng ra đi. Còn Thành, nghỉ công việc ở phòng phát hành, anh đi làm xây dựng, chẳng liên quan gì. Đến lúc giáp mặt trong lần đi tìm phòng trọ, tôi và Diễm mới biết anh có đến hai bằng đại học, hai chuyên ngành chẳng liên quan gì nhau. Như một cơ duyên, chúng tôi lại tụ lại dưới một mái nhà.
Tiếng đá cửa của Diễm làm Thành thức dậy. Anh mở mắt, nằm yên trên ghế, không đoán được cảm xúc. Bất ngờ, Thành nở một nụ cười. Nụ cười khi mới tỉnh giấc thật đẹp, nhưng tôi vẫn phải nói một câu khiến Diễm và Thành cùng tiu nghỉu: “Tối nay Di có hẹn với bạn. Thức ăn đã có sẵn trong tủ, Diễm hâm nóng và cắm cơm nữa là được”.
Mưa lất phất theo từng bước chân của tôi. Giữ chặt tập bản thảo dày trong chiếc áo gió, hơi gió lạnh vẫn len lỏi qua lớp váy mịn. Ghé mắt qua cửa kính mờ, nhìn lướt qua thử đoán những người khách đang ngồi trong quán, ai là người tôi sẽ gặp hôm nay. “Em là Di?”. Tôi giật mình quay lại. Đôi mắt nheo cười, những vệt nước mưa thẫm màu trên vai áo sơ mi kẻ ca rô màu rêu. Thoáng bối rối, tôi lập tức lấy lại vẻ bình thản thường ngày “Em vừa nhìn qua. Bên trong có vẻ ấm áp hơn nhiều”.
Đó là kịch bản mà tôi đã nung nấu từ lâu. Tôi thường tranh thủ viết vào những thời gian rảnh rỗi trong ngày. Việc Thành và Diễm thường xuyên đi xa giống như một chất xúc tác để tôi nhanh chóng hoàn thành nó. Và bây giờ, bản thảo của tôi đang ở trên tay Bình - một đạo diễn trẻ mà theo một người bạn “sẽ là người chắp cánh lý tưởng cho kịch bản của Di”.
Tôi đã đưa chi tiết con đom đóm để mở đầu câu chuyện. Công việc biên tập sách rồi viết kịch bản đã đẩy tôi xa sự ồn ào của cuộc sống và vô tình trở nên xa lạ với mọi người lúc nào không hay. Trừ lúc đến nhà xuất bản hoặc đi chợ, hiếm hoi lắm tôi mới ra khỏi nhà. May mà còn có Diễm và Thành bên cạnh, gần như họ chẳng để ý tôi đang làm gì, như thế lại hóa hay.
Kể cả trên quãng đường về, chúng tôi chỉ nói chuyện về kịch bản. Đến khi chia tay, Bình hỏi: “Phòng em ở đâu?”.“Tầng tư, nơi tán phượng xanh nhất sà vào”. Và tôi có kể cho anh nghe về cái cửa sổ bên gian bếp.
Tiếng mở cửa của tôi không làm Thành và Diễm bận tâm. Họ còn bận chúi mũi vào bộ phim hành động đang đến hồi gay cấn. Tôi mở cánh cửa sổ nhỏ, bắt gặp ánh mắt của Bình ngước lên tán phượng. Gió thốc vào làm Diễm gắt um lên.
Diễm và Thành lại đi suốt. Nếu có về, cả hai sẽ lại ngủ vùi. Bình cũng không gọi như đã hứa. Tôi bắt tay viết một kịch bản khác. Ai cũng miệt mài với công việc của mình. Căn phòng đối diện của dãy bên kia hình như đã có người ở. Có lẽ đó là một người lịch sự, anh (cô) ta không bao giờ gây ồn. Có lẽ họ biết tôi thường làm việc bên ô cửa sổ của gian bếp.
Những buổi chiều bắt đầu se lạnh, tôi thường lưỡng lự rất lâu khi trở về phòng. Cảm giác khi với tay bật bóng điện lên, không một tiếng nói, không một tiếng cười. Một buổi chiều như thế, tôi ngồi lại trên chiếc ghế đá dưới gốc phượng. Khi bóng tối buông xuống, những chiếc đèn giăng mắc trên tán phượng bắt đầu rót thứ ánh sáng lung linh xuống vai tôi. Bất ngờ, những bóng đèn tắt ngúm, bóng tối tràn ngập khiến tôi dò dẫm mãi mới lên được cầu thang. Tiếng ai đó từ tầng hai gắt gỏng: “Nghe nói phòng tầng tư dãy bên kia mới chuyển đến hơn tuần nay bị nổ điện, hai dãy dùng chung nguồn nên yêu cầu ngắt cầu dao tổng để sửa chữa”.
Tôi chưa kịp thấm thía cái lạnh khi mở cánh cửa phòng thì chuông điện thoại reo lên, tiếng nói thì thầm, như từ bóng tối: “Em đã vào phòng chưa. Rồi. Đứng yên đó. Soi đèn điện thoại để đi vào gian bếp, chỗ có cửa sổ ấy. Em nhìn ra ngoài xem”.
Một đôi bàn tay chìa ra từ cửa sổ tầng ba, lòng tay khum khum rồi từ từ mở ra. Một, hai, ba... cả chục con đom đóm cùng bay lên, nhấp nháy, ánh sáng xanh lung linh một khoảng tối đen. Đom đóm bay rất chậm, xoay vòng, đôi lúc chụm vào nhau. Ánh sáng mờ nhạt của bầu trời và đom đóm phát ra đủ để tôi nhận ra Bình. Từ cửa sổ dãy phòng bên kia, anh chống cằm nhìn sang tôi - đôi mắt nheo cười.
Hóa ra anh chàng diễn viên Việt kiều có lần Diễm nhắc tới chính là Bình. Tôi biết điều này khi thường xuyên đến phim trường để thị phạm kịch bản của mình, vô tình gặp Diễm và đạo diễn đoàn phim của nó ở đấy. Trái với suy nghĩ của tôi, Diễm không vồ vập Bình như nó từng kể. Nó làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn tôi tưởng. Biết tình cảm của tôi và Bình, Diễm còn nhiệt tình vun vén. Chính tôi cũng không hiểu tại sao.
Một tối rảnh rỗi, khi cả ba chúng tôi cùng ôm gối xem phim kinh dị, giữa những âm thanh rùng rợn, Thành rụt rè lên tiếng: “Diễm, Di này, công việc ngày càng nhiều, thời gian lại thất thường, có lẽ hết tháng anh sẽ chuyển ra khu tập thể của công ty”. Diễm là người buồn nhất khi biết tin này. Cả mấy ngày sau đó, nó thẫn thờ và ít nói hẳn.
Buổi tối đầu tiên sau khi Thành chuyển đi, đang ngồi xem phim, Diễm quay sang nhìn tôi: “Di biết vì sao Diễm nghỉ việc ở nhà xuất bản không?”. Rồi không đợi tôi trả lời, nó buồn bã: “Hồi đó, Di thì làm phòng biên tập, Thành làm phát hành còn Diễm chỉ là tạp vụ”. Chưa kịp để cảm xúc của tôi kịp lắng xuống, Diễm tiếp: “Di biết vì sao Diễm thường kể về Bình nhưng lại không thực sự cảm mến cuồng nhiệt Bình không? Vì Diễm muốn Thành chú ý đến câu chuyện của Diễm, muốn Thành biết rằng Diễm cũng không kém cỏi và cũng đáng yêu như ai”. Tôi cắn chặt môi. “Và Di vẫn nghĩ con đom đóm hôm nào bay vào nhà mình là ngẫu nhiên ư? Là của Thành, căn giờ Di về, về trước, bí mật thả vào để thấy niềm vui của Di đó”.
Nước mắt ứa ra từ đôi mắt buồn của Diễm. Lần đầu tôi để ý nó có đôi mắt buồn. Tim tôi thắt lại, tôi nhớ đến niềm vui điềm nhiên của Thành khi tôi khoe về con đom đóm.
Chỉ là một con đom đóm, có gì đâu mà tôi cũng buồn rười rượi đến thế này…
M.A