Văn Trọng Hùng, một đời thơ và kịch
Sinh thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có viết tặng nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng câu đối: “Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi, nộ nhi kịch/Truy tùy cổ nhân chí, tiến tận chức, thoái tận tâm”. Nghĩa là “Khá lắm, Văn Trọng Hùng! Buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch/Noi theo cái chí của người xưa, tiến thì làm trọn chức trách, về thì giữ vẹn chữ tâm”. Câu khen tặng và cũng một phần hàm ý ký gửi. Ngẫm lại, sự cẩn trọng chữ nghĩa của Vũ tiên sinh dành cho Văn Trọng Hùng đúng đến từng chi tiết kỳ vọng.
Thơ, kịch chọn người
Nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng sinh ra và lớn lên ở Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định. Quê hương ông bên bờ sông An Lão- Lại Giang, một dòng sông lớn phía bắc, cùng với sông Côn phía nam tỉnh, tạo nên hai dòng trầm tích văn hóa, lịch sử của “Miền đất võ”, “Xứ văn chương”. Dòng sông An Lão- Lại Giang quê ông với lượng phù sa lớn đã tạo nên những bờ soi màu mỡ từng nổi tiếng tơ tằm, dệt lụa và những sản vật, cây trái một thời. Cũng trên dòng sông này, cả hàng trăm năm tồn tại những bờ xe nước, kẽo kẹt, nhẫn nại quay, vừa buồn buồn một trí tuệ mưu sinh, vừa tiềm ẩn một ý chí, nghị lực của vùng trung du không nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Gia đình Văn Trọng Hùng vốn nhiều đời có chút chức sắc trong làng nhưng sớm nhận thức lý tưởng cao đẹp với dân với nước mà Đảng đem lại nên sớm tham gia hoạt động cánh mạng. Năm 54, cha và anh ông đi tập kết, ông còn nhỏ ở lại với chị, với mẹ, nhưng rồi như một tất yếu, lớn lên, mới tuổi mười lăm mười sáu, Văn Trọng Hùng đang là học sinh trung học đã thành chiến sĩ biệt động nội ngoại thành rồi thoát ly kháng chiến. Văn Trọng Hùng đã lớn lên trong kho truyện Tàu mẹ ông ưa đọc, và khi “thoát ly” lên núi, về bộ phận Tuyên truyền vũ trang của tỉnh, vì nhiệm vụ, ông viết bài, làm thơ tuyên truyền, đấu tranh. Có thể nói đây là khởi đầu cho một nhà thơ, nhà viết kịch sau này. Mọi thứ như một định phận.
“Muộn nhi thi, nộ nhi kịch”
Như đã nói, Văn Trọng Hùng làm cách mạng trước khi làm thơ. Và thơ ông thời kỳ này như một vũ khí tuyên truyền, chiến đấu, thơ phục vụ cuộc kháng chiến, đánh giặc cứu nước. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông được phân công về công tác ngành văn hóa. Công việc gần gũi với sáng tác này như một đùa dai của số phận, và ông lại cầm bút. Giờ thì, ngoài những trang thơ về quê hương và cách mạng, về niềm vui giải phóng, thơ ông thêm mảng trữ tình như một lẽ tất yếu. Năm 1991, tập thơ đầu tay của ông ra đời, tập “Dạo khúc nhân tình”, đầy những suy tư, trăn trở. Sau cái hào hùng của chiến thắng, cuộc sống đời thường với những vất vả, lo toan và thử thách lòng người, thơ Văn Trọng Hùng đã lặn vào những ngóc ngách ấy của nhân tình đầy trách nhiệm. Và cũng không dễ dàng gì. Tập thơ đã có những ý kiến phản bác khi lối tư duy đường mòn, chụp mũ tư tưởng vẫn còn khá nặng lúc bấy giờ… Ông gặp khó khăn ít nhiều. May rồi mọi thứ cũng qua. Có vẻ chính cái “tai nạn” này là nguồn kích thích cho Văn Trọng Hùng tiếp tục cầm bút. Và càng lúc, chuyện thế sự, thế thái nhân tình trong thơ ông càng dày. Cả mảng trữ tình cùng đầy những tự sự buồn, những đau đáu nỗi niềm chung. Rồi những bài thơ ông xuất hiện ngày càng nhiều trên những tờ báo, tạp chí danh tiếng. Sau “Dạo khúc nhân tình”, những tập thơ “Bóng trúc”, “Đối ảnh”, “Hầu chuyện tiền nhân” ra đời, tập sau luôn đầy tập trước về những suy tư, trăn trở, kỹ thuật càng tiếp cận với thơ hiện đại. Đáng chú ý là tập mới nhất, “Hầu chuyện tiền nhân”, Văn Trọng Hùng đã làm một cuộc đột phá về đề tài như tên tập thơ. Và sở trường “phản biện” của ông đã bộc lộ đầy sức thuyết phục từ tập thơ này. Phản biện, xét cho cùng là đóng góp quan trọng của tư duy nghệ thuật. Nó hiện đại nếu được sử dụng có chủ đích. Tập thơ đã được sự chào đón nồng nhiệt của văn giới và bạn đọc. Văn Trọng Hùng lớn lên trong không gian nghệ thuật hát bội, bài chòi của quê hương, nên như một tất yếu, bên cạnh việc làm thơ, ông viết kịch bản sân khấu. Đề tài trong các vở kịch của ông chủ yếu từ trong lịch sử, dã sử. Sau “Nước mắt Diêm vương”, “Phong thần”, vở kịch tạo nhiều dư luận trong giới nghiên cứu, cả những ý trái ngược nhau là “Tiết Giao trả ngọc”. Ông đã thực sự ghi tên mình vào giới tác gia kịch sân khấu cả nước. Và nối nhau, các kịch bản nhiều tìm tòi, sáng tạo ra đời: “Anh hùng với giai nhân”, “Đi tìm chân chúa”, “Mộng bá vương”, “Nhìn lại một vương triều”, “Khúc ca bi tráng”… Hai thể loại gần như trái ngược nhau là thơ và kịch nhưng với Văn Trọng Hùng hai thể loại này lại giúp nhau. Ông viết kịch hát nên chữ nghĩa thơ rất thuận. Và thơ ông nhiều khi bật tứ khi xem kịch, hay sau vở kịch của chính mình. Có mối tương liên khá độc đáo trong thơ và kịch Văn Trọng Hùng. Như “Gửi Lưu Bang”- thơ và “Mộng bá vương”- kịch, “Nguyệt Cô”-thơ và “Tiết Giao trả ngọc”- kịch, “Phỏng vấn Đào Duy Từ”- thơ và “Đi tìm chân chúa”- kịch, Gặp Võ Tánh ở thành hoàng đế”- thơ và “Khúc ca bi tráng”- kịch… Rất khó nói thơ gợi ý cho kịch hay từ một tự sự, tâm trạng của nhân vật kịch mà ông làm thơ. Nhưng mối tương liên này đều có chung ý tưởng minh định các giá trị từng nhân vật, vương triều trong lịch sử. Và những yêu- ghét của Văn Trọng Hùng có tính phản biện đã góp phần nhìn nhận lại chiều kích người xưa, sự việc xưa như một bài học cho hôm nay. Nếu như kịch bản sân khấu là những ký gửi đầy tâm trạng và quyết liệt của Văn Trọng Hùng thì những bài thơ trữ tình hay tự sự, thế sự của ông, mềm mại hơn, day dưa hơn. Với một dân tộc tồn tại suốt mấy ngàn năm đánh giặc giữ nước, những chinh phu nối tiếp nhau các thế hệ lên đường, và có thể không về, để lại nỗi sầu mong cho bao chinh phụ, các huyền tích đá vọng phu trên dải đất nhiều chiến chinh, ly loạn không ít. Thơ nhạc viết về đề tài này xưa nay cũng không ít. Vậy mà qua cách nhìn của Văn Trọng Hùng, mọi thứ mang một chiều kích mới, một xúc cảm khác. Ông cúi đầu cảm phục trước tình yêu, lòng chung thủy của người phụ nữ, và tình yêu ấy, lòng chung thủy ấy làm cho con người và cả thiên nhiên cũng xúc động: những áng mây vì nàng bay chậm lại, những đóa hoa vì nàng bốn mùa thao thức…, nhưng khi ông đặt ra câu hỏi cuối, dĩ nhiên không hẳn cho riêng nàng về đứa bé cùng hóa đá, mọi thứ đã khác, cay xót hơn, cảnh báo hơn chuyện cổ nhiều: “Ta chỉ thương đứa bé kia/ Đứa bé chưa biết mặt cha/ chưa biết tình yêu/ lòng chung thủy/ Sao/ Phải hóa đá cùng nàng?” Đó là nét riêng làm nên cái chất khó trộn lẫn trong thơ Văn Trọng Hùng! Cũng là lý do thơ ông tuy không nhiều những cách tân, những tìm tòi về kỹ thuật vẫn có sức cuốn hút đặc biệt. Ông chinh phục bạn đọc bằng chính tư duy nghệ thuật của mình. Cái mới ở ngay từ cách nhìn. Và những bài thơ, tập thơ ông nối nhau ra đời trong sự ghi nhận của văn giới, của bạn đọc như một sự riêng, khác. Với người cầm bút, đó là thành công đáng ghi nhận.
2 trong 1
Có đến 2 con người trong Văn Trọng Hùng: nhà quản lý và người nghệ sĩ. Ông tham gia quản lý ngành Văn hóa, sau này là Văn hóa- Thể thao và Du lịch đến 20 năm. Hai mươi năm này cũng là thời gian dần chín rồi thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Có một sự nhất quán và tương hỗ nhau ở 2 “con người” này: làm thơ viết kịch giúp nhà quản lý trong ông thấu hiểu hơn về những tư duy, trăn trở, ước mơ và khát vọng của người nghệ sĩ, và ngược lại, nhà quản lý giúp cái nhìn về sáng tạo nhiều cảm thông và minh xác hơn. Cuối tháng 2/2014, Văn Trọng Hùng chinh thức ghỉ hưu. Đúng nghĩa ông đã “tiến tận chức” với những đóng góp không nhỏ cho công tác quản lý. Chỉ kể từ ngày sáp hợp 3 sở đến nay, 6 năm liền ngành ông quản lý liên tục đoạt cờ thi đua của Bộ và năm 2013, vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước. Cá nhân ông được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Cái sắc sảo của Văn Trọng Hùng trong công tác quản lý không phải tố chất tự nhiên, nó là chuỗi dài học hỏi không ngừng, trau luyện, đối chiếu, đúc kết với lòng tự trọng đúng mực, với thái độ thẳng thắn cần thiết, và nhất là, trên cơ sở am tường công việc mình quản lý, tất cả song hành cùng một nỗ lực học hỏi vươn lên không ngừng khác: người nghệ sĩ và sáng tạo. Vậy phần người nghệ sĩ, mảng thơ, kịch thì sao? Xuyên suốt hành trình thơ và kịch của Văn Trọng Hùng là tư duy “phản biện” như bản chất văn nghệ sĩ muôn đời. Để từ những “buồn”, “giận”, hướng tới cái đẹp, cái nhân văn cho nhân quần, nói nôm na, một đất nước thái bình thịnh trị, một nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ở đó, kẻ bạc ác dối lừa, kẻ ngụy quân tử cần phơi bày, trừng trị, bậc lương đống, thiện nhân cần được tôn vinh, hơn nữa, những ẩn khuất những thiên lệch, méo mó về lịch sử, về các nhân vật lịch sử cần minh xác sòng phẳng. Người quan chức- nghệ sĩ này đứng vị trí nào để làm tròn chức trách- thiên chức? Bài thơ “Nói với con đêm giao thừa thế kỷ” của ông đã sớm mặc định: ông, trước hết là một chiến sĩ cách mạng với một đời cá nhân ông và người thân dâng trãi, cống hiến. Nhưng cho cái đích cuối cùng và duy nhất: vì Tổ quốc, vì nhân dân. Thơ và kịch đã nói hộ ông ý thức dần hiện rồi bền chắc này trong chuỗi dài chiêm nghiệm, suy tư và phản tư. “Hầu chuyện tiền nhân” đã gặp nhân dân muôn thuở, khi Nguyễn Trãi, một bậc “khai quốc công thần” được phong hầu, trong “Đêm ấy ở Côn Sơn” mấy chục năm sau cái án oan nghiệt Lệ chi viên, dân kinh thành mừng vui, còn ông và Lê Lợi gặp nhau trong một không gian kỳ lạ: “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/ Về khuya mưa như trút nước/ Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm!” Nguyễn Trãi đã nhập vào nhân dân muôn thuở, như một ông tiên, đã bất tử. Còn Lê Lợi, dù là vua, là anh hùng thì lại bỗng “đời thường”! Như cách bình của nhà thơ Thanh Thảo trong một bài viết, đây là cuộc viếng thăm “lỡ nhịp!” Cái quan hệ vua- quan, dân- quan, theo cách bình này, càng ít “lỡ nhịp” càng tốt cho dân cho nước! Chất “nhân dân” thấm đẫm từ “tiếng khóc oan khiên” của Nguyệt Cô dội thấu tự ngàn xưa đến giờ, khi “ngọc người” đã bị lừa mị tước đoạt, khi Thị Hến giở đủ trò chơi lỡm bọn cường quyền nhưng “sau đêm ấy rồi Thị Hến sẽ ra sao?”, cả “phỏng vấn Đào Duy Từ”, cả lặng trầm trước ngôi thành cổ của Hồ Quý Ly thì “nỗi buồn mênh mang” trong tâm tưởng cũng chỉ nhằm tới: vì sao họ Hồ thất bại, v.v… Cũng như thơ, cái lõi kịch từ lịch sử, dã sử, huyền sử của Văn Trọng Hùng với ngổn ngang được- mất, thành- bại chỉ cốt “nhìn lại”, minh xác lại những nhân vật, những vương triều; ở đó, các nhân vật trung tâm luôn hiện đúng là mình gắn với bao nỗi niềm thế sự, với chiều kích lịch sử. Những Quang Trung- Nguyễn Huệ, Đào Duy Từ, Hồ Quý Ly, Võ Tánh, Trần Quang Diệu…, đều sống động những dằn vặt, suy tư, những riêng –chung và khoảnh khắc quyết định quan trọng đều hàm chứa điều trên hết là, những an nguy, tồn vong của bá tánh, của dân tộc. Tầm vóc các nhân vật đều xoay quanh cái nhìn minh triết ấy của tác giả. Văn Trọng Hùng cũng khá quyết liệt với những tráo trở, dối lừa. Ông “bắt” Tiết Giao phải “trả” ngọc- người lại cho Nguyệt Cô vì lối trung quân ấy không cận nhân tình, thẳng thắn vạch trần chất ngụy anh hùng của Lưu Bang và bộc lộ lòng yêu mến kẻ chiến bại Hạng Võ… Thơ và kịch Văn Trọng Hùng, dù hư cấu, dù “nhìn lại”, tất cả đều nhất quán một thái độ sống và sáng tác của ông: yêu ghét rạch ròi và tiệm cận với “chủ nghĩa” nhân dân. Thơ, kịch ông được vinh danh trong giải thưởng Văn học nghệ thuạt cao nhất của tỉnh, giải Đào Tấn- Xuân Diệu. Các vở kịch còn đoạt nhiều giải cao hàng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, các kỳ Liên hoan, Hội diễn. Riêng vở “Khúc ca bi tráng” đoạt giải kịch bản văn học xuất sắc nhất của “Hội thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” ở Quảng Nam, 2013.
“Trên dặm dài phù hoa và gió bụi” Cũng không phải mọi thứ với Văn Trọng Hùng đều suôn sẻ. Mấy năm gần đây bỗng dưng có một chiến dịch nhằm vào ông, có khi công khai nhè vào cái chức quản lý sở, có lúc khơi khơi bôi bẩn. Họ “đánh” chuyện học hành, bằng cấp của ông. Thực tế lịch sử trước và sau năm bảy lăm, phần đông những cán bộ quản lý cầm súng đánh giặc, thời bình vừa công tác vừa học, những bổ sung, thậm chí chắp vá là điều dễ hiểu. Văn Trọng Hùng cũng không ngoại lệ. Có những trường hợp thi, có trường hợp cơ quan cử đi học, và nhất là những hướng dẫn ghi bằng cấp trong lý lịch cán bộ cũng có nhiều điều chỉnh mấy chục năm qua. Các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ và khẳng định ông không hề “khai man” bằng cấp, họ bảo “cấp trên bao che”, và lợi dụng mênh mông báo mạng, các trang blog cá nhân, tiếp tục tung tin kiểu hư thực đầy ác ý. Văn Trọng Hùng chỉ cười tràn. Điều ong tiếng ve, với ông, chỉ như một khúc quanh xui rủi mà cá tính thẳng thắn của ông phải gánh chịu, nhất là những kẻ nấp lén thù hằn vì cuồng vọng, tiểu tâm họ bị vạch trần. Ông vẫn rờ rỡ những đóng góp cho xã hội được ghi nhận từ việc quản lý đến sáng tác. Mới đây, Văn Trọng Hùng nhận thêm một nhiệm vụ mới: Giám đốc cơ quan đại diện Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam ở Bình Định, phụ trách các tỉnh nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cái công việc vừa quản lý vừa nghệ sĩ. Công việc của cơ quan phi chính phủ này rất hợp với các sở trường và tạng người ông. Nó văn hóa, nghệ thuật và cũng không thiếu những vấn đề vừa sự vụ vừa lãng du, nghệ sĩ và hữu ích. Có thể nói, ngoài công tác quản lý, tham gia tổ chức các sự kiện, công việc văn hóa, cái đóng góp căn bản của Văn Trọng Hùng rốt ráo vẫn là phần sáng tạo. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Công việc thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và cũng lắm gian nan này đã vận vào ông một đời. Vẫn là những bài thơ mới, vở kịch mới đầy ưu tư, trăn trở về thế thái nhân tình. Về nỗi buồn nhân sinh muôn thuở. Về những giá trị tồn, vong. Về bao yêu thương, căm giận trước vẻ đẹp của hồn người hay những tráo trở, dối lừa. Ông đã có những thời khắc hiểm nguy trong chiến tranh, nhiều thăng trầm trong công việc một công chức, cán bộ, lắm thăng hoa và bế tắc trong sáng tạo. Văn Trọng Hùng vẫn luôn là người của công việc, dù lặng trầm, riêng tư hay bận rộn sôi nổi việc công. Như mọi nghệ sĩ sáng tạo khác, công việc của ông vẫn bộn bề phía trước nhiều dự cảm và đa mang, những nỗ lực không ngừng nghỉ cho công việc ông vừa tự nguyện dự phần, vừa bị dòng chảy số phận đẩy vào không thể cưỡng. Ông, nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng với một đời thơ và kịch.
. Theo Lê Hoài Lương (vanhien.vn)