Xét xử phúc thẩm “đại án” ở Vinalines: Dương Chí Dũng tiếp tục kêu oan
Sáng nay, 22.4, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đây là một vụ “đại án” về tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Ngay từ sớm đã có rất nhiều người tới trước cổng tòa để theo dõi phiên xét xử vì phiên tòa sơ thẩm trước đó diễn ra vào cuối tháng đã có 2 án tử hình.
An ninh trong phòng xử án và ngoài phiên tòa được thắt chặt. Đúng 8 giờ 30, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn tuyên bố khai mạc phiên tòa.
Trước vành móng ngựa, 9 bị cáo gồm: Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines), Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) và Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) bị đưa ra xét xử với các tội danh “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong số các bị cáo tại phiên tòa thì Dương Chí Dũng nổi bật với chiếc sơ mi trắng và quần tây, tỏ ra khá bình tĩnh trước HĐXX, trong khi các bị cáo khác đều mặc trang phục màu bảo hộ lao động xanh công nhân.
Tại phiên xét xử phúc thẩm có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó 3 luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) sẽ bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng.
Theo cáo trạng, vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines là một trong những “đại án” kinh tế. Qua việc thực hiện mua ụ nổi 83M cho dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, với Công ty AP-Singapore, Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, bằng các thủ đoạn và hành vi vi phạm pháp luật qua việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng đã tham ô 10 tỷ đồng của Nhà nước và khi vụ án bị khởi tố, nguyên Cục trưởng Dương Chí Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài trong một thời gian dài, gây khó khăn cho việc điều tra vụ án.
Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 12-2013, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc án tử hình vì tội “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại bị phạt tù từ 4 năm tới 22 năm tù giam.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dũng và bị cáo Phúc đã có đơn kháng cáo về tội “Tham ô tài sản” và đề nghị xem xét lại tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, để khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Vinalines, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, còn gia đình bị cáo Mai Văn Phúc nộp 3,5 tỷ đồng.
Kết thúc phần thủ tục, tại phần xét hỏi, trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục kêu oan về tội “Tham ô tài sản” và đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lý giải cho đề nghị này, bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng, trong việc mua ụ nổi 83 M, bị cáo chỉ là thành viên của HĐQT của Vinalines và quyết định mua ụ nổi này do tập thể HĐQT thống nhất, chứ bản thân bị cáo không có chỉ đạo và quyết định được việc mua bán. Đối với tham ô, trước vành móng ngựa, Dương Chí Dũng tiếp tục thề rằng không nhận bất cứ đồng tiền tham ô nào, có chăng chỉ vào ngày lễ tết nhận chai rượu từ Trần Hải Sơn biếu.
"Đối với tham ô, bị cáo thề có trời, có đất không nhận bất cứ đồng tiền tham ô nào"- bị cáo Dương Chí Dũng nói.
Đối với khoản tiền 4,7 tỷ đồng mà gia đình bị cáo Dương Chí Dũng nộp cho cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Dũng cho rằng, đó là tiền khắc phục hậu quả chung, không xác định số tiền này là khắc phục tội tham ô.
"Sau khi bị khởi tố, bị cáo bỏ trốn sang Campuchia sau đó bị bắt giữ. Đây là việc làm sai trái. Bị cáo xin dốc hết tài sản để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra. Bị cáo thấy trong hành vi tham ô tài sản còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, mong HĐXX xem xét"- bị cáo Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, bác lại những lời khai và cả lời thề của bị cáo Dũng cho rằng mình không nhận tiền "lại quả" sau phi vụ mua ụ nổi 83M, trước tòa, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng những lời khai của bị cáo Dũng không chính xác.
Bị cáo Sơn cho biết, sau khi việc mua bán ụ nổi 83M được thực hiện thành công, phía công ty AP có "lại quả" khoản tiền 1,67 triệu USD. Sau đó, theo chỉ đạo của Dũng và Phúc, Sơn đã nói với em gái mình là giám đốc công ty Vũ Hà rút số tiền 28 tỷ đồng mà phía công ty AP chuyển, để đưa cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng và bản thân Sơn hưởng hơn 7,6 tỷ đồng. Trước hành vi vi phạm này, bị cáo Sơn đã xin tòa giảm nhẹ hình phạt và cho biết sẽ vận động gia đình khắc phục hậu quả.
Đối với bị cáo Mai Văn Phúc trước tòa cũng cho rằng mình không có tội tham ô và phủ nhận việc nhận khoảng tiền 10 tỷ đồng từ phía Sơn đưa. Về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước, bị cáo Phúc cho rằng mặc dù là Tổng Giám đốc Vinalines nhưng không chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi 83M.
Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 24.4.
. Theo QUỐC LẬP (SGGP)