Mua bán nhà đất bằng giấy viết tay:
Thiệt thòi luôn thuộc về người mua
Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Tr. (TP Quy Nhơn) đã mua được ngôi nhà để ra riêng. Biết ngôi nhà mình mua nằm trên một thửa đất chung chưa được tách thửa và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng, muốn sớm hoàn tất thủ tục mua bán, nên thay vì đặt cọc 20 triệu đồng như thỏa thuận ban đầu, vợ chồng chị đưa luôn cho gia chủ 400 triệu đồng (trị giá của ngôi nhà 650 triệu đồng). Trong lúc chờ chủ nhà làm và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng chị Tr. vẫn được chủ cũ giao chìa khóa nhà để sửa sang nhà cửa. Tuy nhiên, gần đến ngày nhận sổ theo giao kèo, vợ chồng chị Tr. bỗng không liên lạc được với người bán nhà.
Lúc này vợ chồng chị mới tá hỏa và tìm hiểu thì thấy việc mua nhà của mình quá hớ hênh. Cụ thể, khi giao dịch mua bán nhà, hai bên không hề thông qua sự chứng thực của chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng mà chỉ tự thỏa thuận với nhau thông qua giấy viết tay chứng minh vợ chồng chị đã giao trước số tiền và hẹn thời gian nhận sổ. Chị Tr. nói: “Đôi bên thuận mua vừa bán nên việc đặt cọc tiền có giấy viết tay là để làm bằng, chứ không nghĩ sẽ có những vần đề phát sinh về sau. Hiện họ đã chủ động liên hệ với chúng tôi và hẹn giao sổ chậm hơn thỏa thuận trong vòng nửa tháng. Bây giờ dù rất lo lắng song vợ chồng tôi cũng chỉ biết chờ đợi”.
Trên thực tế, việc mua bán nhà đất chỉ được giao kèo bằng giấy viết tay diễn ra nhiều, nhất là trong các trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất chưa tách thửa, đất không phải là đất ở và chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, bởi hợp túi tiền nhiều người, hình thức mua bán cũng đơn giản. Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, bởi không có công chứng, chứng thực việc mua bán, tòa án sẽ không có căn cứ pháp lý để xem xét nội dung, tính xác thực của hợp đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Triết (Văn phòng luật sư Triết và cộng sự, TP Quy Nhơn) thì: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng, người mua nhà, đất bằng giấy viết tay có khả năng mất trắng. Bởi lẽ, mua bán trao tay không có nhân chứng, xác nhận của cấp có thẩm quyền khi ra tòa sẽ không được chấp nhận là hình thức mua bán hợp pháp, do đó, sẽ bị coi là giao dịch vô hiệu. Mà theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Như vậy, nếu trả lại nhà, đất thì trong bất cứ trường hợp nào thiệt thòi cũng thuộc về người mua”.
N.LINH
Bài viết rất hay và có ý nghĩa. Xin cảm ơn tác giả!