Mâu thuẫn trên mạng, hậu quả ngoài đời
Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trên Facebook, mạng ảo, song lại dẫn đến những cách hành xử thiếu kiềm chế ngoài đời thực để rồi nhẹ thì đánh chửi nhau, nặng thì kẻ mất mạng, người giam mình sau song sắt. Đây là thực trạng tuy chưa phổ biến nhưng rất đáng lo ngại.
Hệ lụy từ mạng ảo
Giữa tháng 4, TAND tỉnh đã đưa bị cáo Bùi Quang Hân (SN 1997, huyện Phù Cát) ra xét xử về tội giết người. Bị cáo và nạn nhân (Phạm Ngọc Vương, SN 1997) đều là học sinh cấp III. Nguyên nhân sâu xa của vụ việc đau lòng này xuất phát từ việc nói xấu nhau trên facebook của hai bạn nữ. Đến dự phiên tòa với tư cách nhân chứng, N.T.T.X., học lớp 10, cùng trường với nạn nhân, run rẩy cho biết: “Giữa cháu và bạn gái của Vương có mâu thuẫn với nhau, nên hay nói xấu nhau trên facebook. Biết chuyện nên Vương tìm cháu để cảnh cáo, trong lúc đang nói chuyện thì Tình là bạn của cháu đến bênh vực và xảy ra mâu thuẫn với Vương”. Sau đó, vì chuyện này, nhóm bạn của Tình và của Vương đánh nhau. Bùi Quang Hân là bạn của Tình đã dùng dao đâm Vương chết.
“Cách tốt nhất để giải tỏa mâu thuẫn trên facebook là im lặng, hoặc nhắn tin, liên hệ trực tiếp với nhau để nói chuyện, tránh trường hợp tranh cãi qua lại công khai trên facebook để rồi gây hậu quả đáng tiếc”
Mới đây, thông qua bạn bè, Trần Hoài T. (sinh viên của một trường ĐH ở Quy Nhơn) nghe được thông tin có một sinh viên cùng trường nhận xét mình là người không tốt, hống hách và hỗn láo. Tức giận, T. lên facebook nhục mạ và thách đố người kia gặp mặt để nói chuyện. May nhờ có bạn bè biết chuyện nên đã đi theo khi hai người hẹn gặp và kịp thời can ngăn nên tránh được hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Ngọc Q. (nữ sinh lớp 11 một trường THPT tại TP Quy Nhơn), vì bức xúc khi thấy bạn trai cũ có bạn gái mới, cũng đã lên facebook để lăng mạ bạn. Không vừa, bạn trai cũ của Q. cũng đáp trả lại bằng những lời lẽ khó nghe. May là mẹ của Q. có chơi facebook nên biết được sự tình và kịp thời khuyên răn con. Sự việc nhanh chóng lắng dịu sau đó. Chị Nguyễn Thị L. (mẹ của Q.) chia sẻ: “Vì có con gái đang ở độ tuổi nhạy cảm nên tôi cũng lo lắng, lập facebook để có thể gần gũi con hơn. Cũng có những cái mình không thể theo dõi hết, nhưng nhờ qua bạn bè của con nên tôi kịp biết sự tình. Không thì không biết thế nào”.
Ứng xử đúng với thông tin trên mạng
Vị chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Quang Hân, trong lúc thẩm vấn các nhân chứng của vụ án, cảnh tỉnh: “Facebook là nơi để chia sẻ chứ không phải là nơi để nói xấu nhau. Cách tốt nhất để giải tỏa mâu thuẫn trên facebook là im lặng, hoặc nhắn tin, liên hệ trực tiếp với nhau để nói chuyện, tránh trường hợp tranh cãi qua lại công khai trên facebook để rồi gây hậu quả đáng tiếc như sự việc này. Vụ án này là một minh chứng cụ thể cho việc sử dụng mạng xã hội vào mục đích không hay”.
Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục và Công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn, phân tích: “Việc xúc phạm, đặt điều hay nói xấu nhau trên mạng xã hội sẽ gây tác động mạnh đến nhiều người, nhất là đối tượng bị xúc phạm, từ đây rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, đã là thế giới ảo thì khi gặp phải những thông tin gây bức xúc, xúc phạm đến bản thân, mỗi chúng ta nên bình tĩnh để tiếp nhận thông tin, từ đó có cách ứng xử phù hợp. Điều đó sẽ hạn chế những mâu thuẫn từ mạng ảo nhưng lại gây hậu quả trong đời thật”.
Để hạn chế những hệ lụy có thể nảy sinh từ việc tham gia các trang mạng xã hội trên internet, đề nghị các trường học và gia đình nên trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng về sử dụng internet lành mạnh, hiệu quả.
KIỀU ANH