Khai thác kiểu tận diệt, còn gì cây trắc gai ?
Từ ngày 10 đến ngày 17.4, lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát bắt giữ liên tục 6 xe tải vận chuyển trái phép gần 6 tấn gỗ trắc gai (còn gọi là trắc vàng) bị khai thác theo kiểu tận diệt trên địa bàn huyện để xuất bán đi các địa phương khác.
Nhận được tin báo của trinh sát, 2 giờ sáng ngày 10.4, lực lượng công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng huyện Phù Cát phối hợp chặn bắt xe tải mang BKS 77K - 8600 chở hơn 1,3 tấn gỗ trắc gai từ xã Cát Hải (Phù Cát) về TP Quy Nhơn. Tiếp đó, trong vòng 1 tuần lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát liên tục bắt giữ 5 xe tải khác vận chuyển gỗ trắc trái phép, gồm: Xe tải BKS 81C - 03024 vận chuyển hơn 1,2 tấn; xe tải BKS 77K- 8515 vận chuyển 987kg, xe tải BKS 77H - 6203 vận chuyển gần 1 tấn rễ gốc trắc gai… Số gỗ trắc gai thu được gần 6 tấn, đặc biệt điều rất nguy hiểm là khi khai thác trái phép cây trắc, người ta không chỉ cưa chặt thân, cành mà còn moi móc sâu trong lòng đất để tận thu cả rễ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Cát, cho biết: Khoảng 10 ngày nay, trên địa bàn huyện Phù Cát rộ lên tình trạng khai thác và mua bán trắc gai (một số vùng gọi là trắc dây). Theo quy định của Bộ NN&PTNT, trắc gai thuộc gỗ nhóm 1 thông thường, đặc tính của trắc gai sống ở môi trường khắc nghiệt như núi đá. Tại Phù Cát, trắc gai tập trung chủ yếu ở các rừng núi đá thuộc địa bàn các xã Cát Hải, Cát Thành, Cát Sơn. Nhờ khả năng sinh trưởng mạnh, trắc gai có khả năng chống rữa trôi đất, đá, bảo vệ môi trường rất tốt… Việc khai thác trắc gai nói trên là vi phạm pháp luật và kiểu khai thác tận diệt để moi móc cả rễ ảnh hưởng rất xấu đến hệ sinh thái rừng.
Sáng 22.4, Công an, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh phối hợp lập biên bản tạm giữ chiếc ô tô 77K 9474 chở hơn 2 tấn cành, nhánh trắc vàng (gỗ nhóm 1) để điều tra xử lý. Ô tô 77K 9474 đang trong hành trình từ tỉnh Phú Yên về Bình Định, khi đến địa phận thôn 2, thị trấn Vân Canh thì bị phát hiện.
ĐÌNH DẶM
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết số trắc gai bị bắt giữ tại Hạt có đường kính nhỏ, độ 15cm trở lại. Trước đây, gỗ trắc gai được các cơ sở tiện đồ gỗ mỹ nghệ trong tỉnh chọn làm nguyên liệu bởi vân gỗ đẹp, cứng, bền, thích hợp để tiện những vật dụng như ấm, tách, độc bình, đồ trang trí... Gần đây, thương lái các nơi lùng mua trắc gai bất thường. Hầu hết, đối tượng khai thác chủ yếu là dân lao động phổ thông, thấy khai thác gỗ trắc thu lợi nhanh nên đổ xô đi tìm kiếm, chặt, đào cây trắc gai.
Điều bất thường ở chỗ, các thương lái lùng mua trắc gai ráo riết, lớn nhỏ gì cũng mua và mua theo cân. Bởi vậy, người dân khai thác theo kiểu tận diệt từ gốc rễ cho đến thân cành, cốt để cân ký (giá từ 8.000- 10.000đồng/kg). Điểm khai thác và tập kết trắc gai nhiều nhất ở Phù Cát là địa bàn xã Cát Hải.
Một số người mua gom gỗ trắc cho hay, họ nhận mối từ nhiều nơi đặt hàng, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc lùng mua cả ngọn và rễ trắc gai để làm gì thì không ai rõ.
Không chỉ nóng ở địa bàn huyện Phù Cát, những ngày qua lực lượng kiểm lâm trong tỉnh cũng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trắc gai từ địa bàn Phú Yên qua tỉnh Bình Định. “Để ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt trắc gai như hiện nay, UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo cho lực lượng công an, kiểm lâm, biên phòng phối hợp truy quét và ngăn chặn các đầu nậu buôn bán trắc gai. Trong tuần tới, lực lượng kiểm lâm sẽ mở cuộc truy quét vào sâu trong rừng. Cán bộ kiểm lâm đóng chốt tại rừng để làm việc” - ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
THU DỊU