Viện Huyết học công bố 100 ca ghép tế bào gốc thành công
Sáng 23.4, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết và công bố thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu thứ 100.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá đây là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Viện Huyết học-Truyền máu Trung nói riêng và của ngành y tế nói chung trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều trị những bệnh máu hiểm nghèo với cộng đồng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Xuyên, ở Việt Nam việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được tiến hành cách đây gần 30 năm. Từ đó đến nay, trên cả nước đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh máu như Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108.
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tuy chỉ mới bắt đầu ghép tế bào gốc từ năm 2006, nhưng đến nay viện đã tiến hành được 100 ca, chiếm gần nửa số ca ghép trên toàn quốc.
Tính từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên thực hiện vào tháng 6/2006 đến nay, Viện đã tiến hành các hình thức ghép khác nhau như: ghép tự thân, ghép đồng loại.
Đặc biệt, từ tháng 11/2013, Viện đã triển khai ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại cho bệnh nhân nhi. Cho đến nay, viện đã tiến hành được 3 ca ghép cho bệnh nhân nhi đồng thời mở rộng chỉ định ghép ở các thể bệnh khác, độ tuổi ghép (ghép bệnh nhân nhi, bệnh nhân trên 50 tuổi); kiểu ghép (trước chủ yếu từ anh chị em ruột phù hợp, hiện nay đã tiến hành ghép nửa phù hợp từ bố, mẹ hoặc anh chị em ruột)...
Trong quy trình ghép, các bác sỹ của viện đã xử lý được những biến chứng khó của ghép như thải ghép bằng ghép lần 2 thành công ở bệnh nhân suy tủy xương...
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: Phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một trong những phương pháp “mũi nhọn” hiện nay, để bệnh nhân có thể được điều trị bằng những biện pháp hiện đại, với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo giáo sư Trí, trong thời gian tới, viện sẽ tích cực triển khai ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng để các bà mẹ tương lai tình nguyện gửi máu cuống rốn của mình, tạo kho dự trữ tế bào gốc điều trị trong tương lai.
Có thể nói, ghép tế bào gốc tạo máu chữa các bệnh máu ác tính đang mở ra triển vọng mới đầy hy vọng cho người bệnh, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác điều trị.
Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau, đối với ghép tế bào gốc tự thân, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng (trừ đi khoảng chi phí bảo hiểm chi trả), người bệnh phải chi trả khoảng 100 triệu đồng.
Ghép tế bào gốc đồng loại, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, (trừ bảo hiểm chi trả) người bệnh chi trả khoảng 200-300 triệu đồng.
. THEO THÙY GIANG (VIETNAM+)