Giáo sư Michel Mayor và hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất
Bên lề Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần X đang diễn ra tại Bình Định, chiều 24.4, nhà Vật lý thiên văn nổi tiếng người Thụy Sĩ Michel Mayor có cuộc nói chuyện với công chúng yêu khoa học trong tỉnh về “Các thế giới khác trong vũ trụ? Câu hỏi về anh em sinh đôi của trái đất”. Đây là những câu hỏi luôn gây sự tò mò với tất cả chúng ta, không riêng gì các nhà khoa học.
Có hay không những hành tinh giống Trái đất tồn tại bên ngoài Hệ Mặt trời, liệu con người có phải là sinh vật sống duy nhất trong vũ trụ?”. Đây là những câu hỏi mà giáo sư (GS) Michel Mayor, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp và Mỹ, người khám phá ra hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt trời năm 1995 đã dành gần cả cuộc đời mình để tìm lời giải đáp. Năm 1995, ông và những cộng sự của mình đã tìm ra hành tinh ngoài Hệ Mặt trời 51 Pegasi b. Hành tinh phát hiện đầu tiên với những đặc tính kỳ thú đã có tác động to lớn đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh. Khám phá của ông đã tác động đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh và mở ra hướng nghiên cứu mới trong thiên văn hiện đại.
GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết: Lâu nay các nhà khoa học, các tôn giáo và tất cả mọi người đều tự hỏi ngoài Trái đất ra, trong hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ có nơi nào có sự sống, có nền văn minh nào khác mà con người chúng ta chưa được biết không? Điều đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Đấy là một câu hỏi, một đề tài hết sức hấp dẫn đối với mọi người. Thông qua buổi nói chuyện của GS Mayor, chúng tôi muốn đem khoa học đến gần hơn với công chúng, gợi mở những niềm yêu thích khoa học thiên văn đối với các em học sinh, sinh viên. Chúng tôi muốn mọi người biết rằng, khoa học nói chung và các vấn đề trong vật lý thiên văn không phải là điều gì quá xa vời với cuộc sống.
Trong 20 năm qua, hơn 1.000 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời đã được khám phá. Những khám phá này cho thấy các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời rất đa dạng, mà ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta không phải là một mô hình phổ biến về hệ hành tinh trong vũ trụ. Theo GS Mayor, Hệ Mặt trời chỉ là một phần rất nhỏ trong dải ngân hà rộng lớn với hàng trăm tỉ ngôi sao cách nhau hàng trăm ngàn năm ánh sáng và cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn là liệu có hành tinh nào giống Trái đất nằm trong số những ngôi sao đó hay không. Tuy nhiên, với công nghệ nghiên cứu ngày càng hiện đại cho phép con người quan sát những hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Những kính viễn vọng mới đang theo đuổi việc săn tìm những hành tinh kiểu Trái đất trong vũ trụ. Việc tìm kiếm những anh em song sinh của Trái đất được thúc đẩy bởi triển vọng tìm thấy những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự sống hình thành và phát triển. Việc tìm thấy những hành tinh có điều kiện giống Trái đất sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc của con người về việc có hay không những nền văn minh khác trong vũ trụ.
GS Michel Mayor tốt nghiệp đại học ngành Vật lý tại ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) và lấy học vị tiến sĩ về Thiên văn Vật lý tại ĐH Geneva. GS Mayor dạy Thiên văn Vật lý trên 20 năm tại ĐH Geneva (Thụy Sĩ). Từ năm 1998 đến 2004, GS làm việc tại Đài quan sát Geneva.
Năm 1995, GS cùng với sinh viên của mình là Didier Queloz khám phá ra hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế trong sự nghiệp nghiên cứu của mình và được nhiều đại học danh tiếng trên thế giới trao bằng giáo sư danh dự.
Hiện tại, GS Mayor là giáo sư về hưu của ĐH Geneva và tiếp tục cùng các cộng sự của mình săn tìm những hành tinh kiểu Trái đất trong vũ trụ.
MAI HỒNG