Đê Đỉnh Nhĩ có phải do Vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc đắp?
Đê Đỉnh Nhĩ có hình móng ngựa, nằm phía Tây thành Hoàng Đế/Đồ Bàn, từ góc Tây - Nam thành ngoại nối qua góc Tây - Bắc thành ngoại, đi qua thôn Đại Hòa và bao bọc cánh đồng Thiết Trụ (Nhơn Hậu, An Nhơn), có phải do Hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc sai đắp như tương truyền?
Thư tịch cũ và tài liệu xuất bản
Đê Đỉnh Nhĩ là con đê kiên cố duy nhất có đến hàng trăm năm tuổi còn tồn tại đến nay ở địa bàn Bình Định. Nhưng mục “Đê Đập” trong sách Đại Nam nhất thống chí lại không thấy nhắc đến đê Đỉnh Nhĩ. Tuy vậy, trong sách Đồ Bàn thành ký của Nguyễn Văn Hiển, khi khảo tả thành Đồ Bàn lại có chép “…phía Tây thành có đắp con đê Đỉnh Nhĩ là để phòng vệ nước lụt…”. Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép “Sông La Vĩ do Vua Thái Đức đào sau. Truyền rằng: …Thầy địa (Trung Quốc) bèn khuyên Nguyễn Nhạc tạo cho Hoàng Thành cái thế “Tứ thủy triều qui” để trước thêm tú khí cho Hoàng Thành, sau thêm rào dậu để phòng địch. Nhà vua nghe theo, cho đào sông La Vĩ … sông La Vĩ đào vừa xong thì lụt làm lở phía Đông, tức là phía thành Đồ Bàn. Nhà vua liền cho đắp một bờ đê hình Quai Vạc gọi là đê Đỉnh Nhĩ, để giữ nước…”.
Tất cả sách xuất bản và tài liệu viết sau này khi nhắc đến đê Đỉnh Nhĩ đều chép theo Quách Tấn. Trong Di tích thành Hoàng Đế, GS. Phan Huy Lê chép “Tương truyền sông La Vĩ do Nguyễn Nhạc đào để cho thành Hoàng Đế cái thế “Tứ thủy triều qui” và tăng thêm cho hào phòng vệ mặt Bắc và mặt Tây của thành. Nhưng sông đào gần thành nên mùa lũ, nước lên cao làm lở bờ phía Đông. Vì vậy, Nguyễn Nhạc cho đắp con đê chắn nước hình quai vạc gọi là đê Quai Vạc (Đỉnh Nhĩ). Hiện nay, sông La Vĩ đã bị bồi đắp nhiều, nhưng dấu tích của dòng sông và đê Quai Vạc ở phía Tây thành ngoại vẫn còn”. Sách Thành Hoàng Đế kinh đô vương triều Tây Sơn, TS Lê Đình Phụng chép “Phía xa là sông Quai Vạc chảy. Theo tài liệu lịch sử cho biết đây là con sông được Nguyễn Nhạc cho đào nối sông La Vĩ với một nhánh sông Côn để bảo vệ mặt Bắc thành Hoàng Đế. Sông Quai Vạc có hình chảy uốn lượn như hình chiếc tai nên có tên gọi như vậy …” …
Đê Đỉnh Nhĩ qua khảo sát thực địa
Đê Đỉnh Nhĩ thường được nhắc đến trong các tài liệu viết về thành Đồ Bàn hoặc thành Hoàng Đế và đều cho rằng con đê được đắp để chắn nước bảo vệ tòa thành khi lũ về. Tuy nhiên, tất cả những bản vẽ từ thành Đồ Bàn đến thành Hoàng Đế của các tác giả đã từng khảo sát thực địa rất kỹ khu tòa thành này như: nhà nghiên cứu kiêm kiến trúc sư người Pháp H. Parmentier, GS. Phan Huy Lê, TS. Lê Đình Phụng … đều không có con đê Đỉnh Nhĩ.
Con đê Đỉnh Nhĩ đắp như hình móng ngựa dài 2.240m, từ góc Tây - Nam thành ngoại nối vòng cung qua góc Tây – Bắc thành ngoại, từ sông La Vỹ nối qua sông Quai Vạc, đi qua thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu (An Nhơn), bao bọc cánh đồng ruộng Thiết Trụ và bờ thành ngoại phía Tây. Khảo sát hiện trạng bề mặt và mặt cắt đê, nhận thấy về quy mô, vật liệu kết cấu và kỹ thuật xây dựng đê Đỉnh Nhĩ giống như thành ngoại thành Đồ Bàn (Champa), ruột đê được xây bằng đá ong làm cốt, đá ong được cắt vuông vức xây xếp so le nhau liên kết vững chắc. Để đảm bảo chắc chắn cho bờ đê, ngoài đá ong xây cốt còn có kè chèn thêm gạch, ngói, mảnh gốm được đầm lèn kỹ. Bề mặt đê hiện nay không còn nguyên trạng do quá trình tụ cư và canh tác của người dân, đoạn phía góc Tây – Nam mặt đê rộng từ 10m đến 15m, chân đê rộng 20m–30m, cao 4m-5m.
Đê Đỉnh Nhĩ nằm cách bờ thành Tây thành Đồ Bàn/Hoàng Đế khoảng 1km, vì vậy cho rằng đắp đê Đỉnh Nhĩ để bảo vệ thành thì không thuyết phục. Về quy mô, vật liệu và kỹ thuật xây đắp đê rất giống thành Đồ Bàn và “rất Chàm” như vậy rất khó nói là do Vua Thái Đức- Nguyễn Nhạc sai đắp như tương truyền được.
Mặt khác, sông Đập Đá và sông La Vĩ - Quai Vạc - Cầu Dài giữ vai trò như một hệ thống hào bảo vệ thành, đồng thời là tuyến đường thủy thuận lợi. Bến Gỗ phía Tây – Bắc thành là dấu tích một bến thuyền xưa. Từ đó, có thể đi ngược sông Côn lên miền núi rừng phía Tây và xuôi dòng La Vĩ, Đập Đá rồi theo sông Đại An ra cửa Thị Nại. Có lẽ, tuyến đường thủy này đã được hình thành từ thời Champa để phục vụ cho kinh đô Đồ Bàn. Do vậy, bờ thành mà ngày nay gọi là đê Đỉnh Nhĩ là công trình xây dựng của người Champa, có thể là hệ thống thành quách của kinh đô Champa xưa (!).
NGUYỄN THANH QUANG