Vào mùa thanh minh
Năm nay tiết thanh minh đến sớm hơn, bắt đầu từ ngày 24.2 âm lịch và kéo dài trong 15 ngày. Những ngày này, không khí thanh minh tràn ngập từ làng quê đến phố thị. Đi giữa mùa “đạp thanh”, lòng dâng dâng một nỗi hoài cổ, nhận ra trong dáng hình thanh minh sự hòa quyện giữa một tập tục tín ngưỡng cổ truyền với nếp sinh hoạt văn hóa mới.
Rộn ràng thanh minh xóm
Suốt từ đầu tiết thanh minh đến nay, người dân thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cắt cơm nhà, ăn cúng thanh minh mệt nghỉ! Để gọn nhẹ, hình thức “thanh minh xóm” được lựa chọn phổ biến: chừng vài chục nóc nhà liên kế trong dãy phố, trên cùng một tuyến đường…, tùy hỷ “hợp tác xã” để tổ chức. Người Phú Phong gọi là cúng chòm - một chòm nhà, trong cụm từ chòm xóm láng giềng. Ông Nguyễn Đình Thi, một hưu trí ở khối 3, người được bà con trong khu vực tín nhiệm mời đảm trách chánh tế các dịp lễ, cúng, nhẩm đếm: “Mùa thanh minh năm nay cả Phú Phong dễ có đến gần trăm đám cúng chòm. Lý do đơn giản là bà con nghĩ mình sống ở đâu cũng có Thành hoàng, Thổ địa, cô hồn… Mỗi năm nên cúng một lần, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Thêm vào đó, đây cũng là dịp chòm xóm gặp nhau, dự phần vào cái vui chung, gắn kết tình thân”.
Nói về sự quay trở lại mạnh mẽ của thanh minh trong đời sống ngày nay, ông Nguyễn Bình Long, Bí thư chi bộ khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, gọi vui: “Đó là cao trào chớ không phải ở mức phong trào nữa!”. Bằng chứng sinh động là toàn khu vực làng nghề rèn Tây Phương Danh có 17 cụm dân cư, tất cả đều tổ chức. “Cả khu vực chỉ có một Miếu Bà, mật độ dân cư ngày càng đông trong khi thanh minh mỗi năm mỗi dày, các cụm tổ chức cúng chay tại miếu, tiệc thì đưa về địa điểm phù hợp tại cụm dân cư. Sự đồng thuận của người dân rất cao, mỗi năm cứ gần đến tiết thanh minh, không cần ai khởi xướng, nhắc nhở, bà con đã tự động đóng góp”, ông Long nói.
Không riêng gì Tây Phương Danh, phường Đập Đá có 7 khu vực, hầu như khu vực nào cũng hưởng ứng tập tục truyền thống này. Các khu vực lân cận như Nam Phương Danh (phường Đập Đá), Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu)… cũng rộn ràng không khí thanh minh xóm.
Miếu thanh minh của phường Quang Trung cũ (nay là phường Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung và Ghềnh Ráng) được tu bổ lại năm 2009, đấy cũng là năm đầu tiên khu vực 1, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn tổ chức cúng thanh minh sau nhiều năm gián đoạn. Từ đó đến nay, hằng năm đến tiết thanh minh, bà con khu vực 1 vẫn tổ chức chẩn tế cô hồn tại miếu, còn “xôm tụ” thì để 4, 5 năm tổ chức 1 lần cho tiết kiệm”, ông Tôn Long Dũng, Khu vực trưởng cho biết. Thanh minh năm nay diễn ra từ ngày 23-25.2 âm lịch, gồm các hoạt động: cúng cầu an, cúng thanh minh, hát bội và đặc biệt, đón nhận Quyết định công nhận danh hiệu khu phố văn hóa cấp thành phố.
Tuồng không chuyên “chạy sô”
“Phong tục người Việt Nam ta thường tổ chức tảo mộ gia tiên dịp Tết Nguyên đán, trong khi có những mộ phần vô chủ hoặc hậu sinh hoàn cảnh ở xa, nghèo khổ hay lý do nào khác mà không đến thăm nom, hương khói được; thanh minh là dịp để sưởi ấm, thể hiện đạo nghĩa nhân văn của dân ta”.
Nhà nghiên cứu văn hóa VŨ NGỌC LIỄN
Cùng với dịp Tết cổ truyền và cầu ngư, thanh minh là “mùa làm ăn” của các đoàn tuồng không chuyên. Những ngày này, hầu như đoàn nào cũng kín “tờ”, diễn viên tuồng chân đất tạm gác việc ruộng vườn, dồn sức cho mùa biểu diễn cao điểm. Tự bao giờ, thanh minh và hát bội đã trở thành hai hoạt động có sự gắn bó mật thiết, gần như song hành. Người dân góp tiền để mời đoàn hát bội họ yêu thích về hát, trước là hát lễ trong lúc cúng tế, sau biểu diễn theo yêu cầu cho thỏa lòng mộ điệu. Hát lễ thường là những trích đoạn trong “Tam quốc” như “Quan Công phò nhị tẩu”, “Huê Dung tiểu lộ”, “Tam anh chiến lữ bố”… Còn diễn vở thì tùy vào lựa chọn của người dân mỗi nơi.
Năm nay, quyên góp được 35 triệu đồng để tổ chức thanh minh, người dân khu vực 1, phường Quang Trung quyết định dành phần lớn kinh phí để mời Đoàn tuồng Sao Mai về biểu diễn 2 đêm (hợp đồng mỗi đêm 6 triệu đồng). Bà Trần Thị Bình, Trưởng Ban công tác Mặt trận của khu vực 1, cho biết: “Nhân dân khu vực 1 rất “ghiền” hát bội, người già được thỏa lòng mộ điệu, lớp trẻ cũng có cơ hội hiểu biết thêm về nghệ thuật sân khấu truyền thống của ông cha mình”.
Anh Nguyễn Hữu Trí, Trưởng đoàn tuồng Sao Mai, chân tình: “Không ít lần diễn các vở tuồng kinh điển, nhiều khán giả lớn tuổi ngồi xem bên dưới thuộc lời, “ứ hự” cùng bạn hát. Thật cảm động khi người dân còn đón nhận tuồng không chuyên nồng hậu như thế”.
Thanh minh năm nay, Đoàn tuồng Ánh Dương tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ mất 4 “tờ” do kẹt lịch. “Tổng lực lượng” đoàn gần 20 người đi đi về về như con thoi, từ phường Bình Định, Đập Đá, xã Nhơn Phong (An Nhơn), xã Phước Hòa (Tuy Phước), qua các phường Ghềnh Ráng, Trần Phú, Đống Đa, Quang Trung (TP Quy Nhơn)… để phục vụ hát lễ, diễn theo hợp đồng. “3 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng đoàn diễn 10 “tờ”, mỗi “tờ” khoảng 20 triệu đồng/3 đêm. Thanh minh là mùa nghệ sĩ tuồng rất bận rộn, mệt nhưng “vui như tết”!”, ông bầu Nguyễn Văn Hiến hồ hởi chia vui.
SAO LY