Đừng để mang bệnh vì nôn nóng
Dù bệnh sởi chưa xuất hiện nhiều ở tỉnh ta, nhưng việc phòng bệnh không vì thế mà lơ là. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, để phòng tránh bệnh sởi hiệu quả, người dân cần tỉnh táo.
* Có một thực tế tại tỉnh ta là số ca sởi chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng số ca sốt phát ban nghi sởi. Đâu là dấu hiệu để phân biệt ban sởi với ban do các bệnh khác, thưa bác sĩ?
- Ban sởi sẽ xuất hiện khoảng 2-4 ngày sau khi có các triệu chứng đầu tiên và sẽ tồn tại trong vòng khoảng 1 tuần. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân.
Ban sởi xuất hiện có trình tự, từ quanh tai lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên. Sau đó, ban lan xuống lưng, bụng, 2 chân. Khi kết thúc nổi ban, ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen (dân gian gọi là “da hổ”). Các bệnh có phát ban khác thường phát ban không theo thứ tự và khi ban lặn không để lại dấu vết trên da.
Lúc ban sởi bay là lúc cơ thể nhạy cảm nhất và dễ gặp biến chứng nhất, nên cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, vệ sinh, không chủ quan cho rằng ban đã bay là bệnh khỏi.
* Theo bác sĩ, quá trình xử trí khi mắc sởi cần lưu ý điều gì?
- Sởi là một bệnh lành tính. Thông thường, hệ miễn dịch của con người sẽ tự loại bỏ vi-rút sởi trong vòng 7-10 ngày. Người bệnh chỉ cần uống thật nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt, dùng vitamin nhóm C, ăn uống đủ chất, vệ sinh da bằng nước ấm hằng ngày, giữ sạch tai, mắt, mũi, họng.
Cần lưu ý, khi người bệnh có những biểu hiện như sốt cao, li bì, co giật, ho nhiều, thở nhanh, nôn mửa… là biểu hiện của biến chứng thì phải đưa ngay vào viện để theo dõi và điều trị. Các dấu hiệu ban đầu của sởi khá giống với sốt phát ban, sốt xuất huyết, cảm cúm... Nếu quá nôn nóng đưa trẻ tới bệnh viện trong lúc có nhiều ca bệnh đang điều trị, dù không bị sởi cũng có thể bị lây nhiễm chéo bệnh sởi tại bệnh viện và có thể bị biến chứng nặng.
* Theo kết quả giám sát sởi năm 2013 của ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố, 75,9% số ca bệnh là trẻ dưới 10 tuổi. Nhưng trong số 4 ca bệnh sởi đã ghi nhận ở tỉnh ta, có 1 người 15 tuổi và 1 người 22 tuổi. Việc tiêm vắc-xin sởi cho người lớn có cần thiết?
- Hiện có nhiều loại vắc-xin phòng sởi, song chủ yếu chia làm 2 loại, loại đơn và loại phối hợp. Vắc-xin phòng sởi đơn thường được tiêm mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella mũi đầu tiên thường được tiêm cho trẻ 13 tháng tuổi. Mũi thứ 2 được tiêm khi trẻ từ 3-5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn và trẻ từ 6-13 tháng tuổi cũng có thể tiêm vắc-xin phối hợp nếu như họ gặp nguy cơ mắc sởi cao, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18-35 tuổi nên tiêm trước khi có thai 3 tháng. Ví dụ, sống trong khu vực đang có dịch sởi bùng phát, chuẩn bị đi tới các vùng có tỉ lệ nhiễm sởi cao, hoặc đã tiếp xúc với người bị bệnh sởi.
Khi không chắc chắn đã được tiêm vắc-xin phòng sởi trong quá khứ hay chưa, việc tiêm thêm một lần nữa cũng sẽ không gây hại gì cả.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
BÌNH PHƯƠNG (Thực hiện)