Thông tin thêm bài “Vụ khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh: Người dân phản đối, buộc doanh nghiệp ngưng khai thác”:
Ông Đặng Thành Tâm mạo nhận là người của Công ty Phúc Lộc
Báo Bình Định số ra ngày 18.4.2014 có bài “Vụ khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh: Người dân phản đối, buộc doanh nghiệp ngưng khai thác”, phản ảnh việc hàng chục người dân ở xóm 2, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) ngăn chặn 2 máy đào đang khai thác cát tại cồn cát nổi nằm giữa sông Hà Thanh thuộc 2 thôn Quảng Vân và Diêm Vân của xã Phước Thuận; buộc dừng khai thác và chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc… Sau khi Báo phát hành, Công ty Cổ phần Phúc Lộc Bình Định- Tập đoàn Phúc Lộc (sau đây gọi là Công ty Phúc Lộc Bình Định) có văn bản phản hồi phúc đáp một số nội dung đã nêu trong bài.
Theo đó, Công ty Phúc Lộc Bình Định khẳng định không có chủ trương tổ chức thực hiện khai thác cát tại sông Hà Thanh phục vụ công trình Quốc lộ (QL) 19; vị trí khai thác cát (đoạn thuộc địa phận thôn Quảng Vân, Diêm Vân) không thuộc phạm vi mặt bằng thi công và quản lý của Công ty. Các thiết bị, máy đào đăng trên Báo không phải máy móc của Tập đoàn và Công ty không quản lý. Công ty Phúc Lộc Bình Định khẳng định trong cơ cấu tổ chức và danh sách cán bộ chỉ huy thi công dự án không có ai tên “Đặng Thành Tâm - Đội trưởng thi công công trình QL 19 qua địa bàn xã Phước Thuận”...
Để xác minh làm rõ vấn đề này, ngày 22.4, phóng viên Báo Bình Định đã trực tiếp gặp ông Đặng Thành Tâm để đối chứng với những nội dung có liên quan. Theo thừa nhận của ông Tâm: Hiện ông đang thường trú tại thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn (Tuy Phước). Khoảng cuối tháng 3.2014, một số hộ dân ở thôn Quảng Vân có nhu cầu nạo vét hồ nuôi tôm nên ông Tâm đứng ra thuê 2 máy đào rồi đưa về thôn Quảng Vân tiến hành nạo vét thuê. Quá trình nạo vét hồ tôm, ông Tâm phát hiện giữa lòng sông Hà Thanh (đoạn thuộc địa bàn thôn Quảng Vân, Diêm Vân) có cồn cát nổi lên nên nảy sinh ý định mở đường từ bờ sông ra cồn cát để khai thác cát bán lại cho người khác. Sau khi đắp xong đoạn bờ (thực hiện từ ngày 8.4 đến ngày 14.4), chiều 14.4, ông Tâm đưa máy đào ra khai thác cát thì bị người dân địa phương kịch liệt phản ứng, nên chưa thể khai thác.
Đến ngày 15.4, ông Tâm cho máy đào phá bỏ đoạn bờ đã đắp để trả lại hiện trạng ban đầu thì tiếp tục bị người dân địa phương ngăn cản, phản ứng. Chiều cùng ngày, khi đại diện UBND xã Phước Thuận tới hiện trường lập biên bản, do thời điểm đó người dân địa phương phản ứng dữ dội, một số người quá khích đòi đánh ông Tâm và tài xế xe đào nên ông Tâm “khai đại” là người của Công ty Phúc Lộc thực hiện thi công gói thầu 1 - tuyến QL 19B với mục đích giải nguy lúc đó. “Thú thật, lúc đó có một số bà con hăm dọa nên tôi hoảng quá khai đại là người của Công ty Phúc Lộc để có thể giải vây tạm thời chứ không hề có ý gì khác”, ông Tâm thừa nhận.
Như vậy có thể thấy, việc khai thác cát tại cồn cát giữa lòng sông Hà Thanh là do ông Đặng Thành Tâm tự ý thực hiện; đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản. Khi chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ vận chuyển, khai thác cát, ông Tâm lại khai báo thuộc Đội thi công Công ty Phúc Lộc là hành vi mạo nhận, gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty Phúc Lộc Bình Định. Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh đối với những việc làm sai trái của ông Đặng Thành Tâm. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn kịp thời đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện hành vi khai thác cát trái phép; gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận và an ninh trật tự địa phương.
B.B.Đ