Tiết kiệm giúp nhau phát triển sản xuất
Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống hàng ngày cũng như trong công việc, phụ nữ thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh đã hình thành những phong trào có dấu ấn đẹp, có sức lan tỏa rộng lớn, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao.
Theo chị Vương Thị Ca, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Thạnh, để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đều ý thức sâu sắc được nội dung, ý nghĩa của việc làm theo gương Bác và thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất, Hội chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Bằng nhiều cách làm khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng, Hội đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Bác Hồ với thực hành tiết kiệm... Từ đó, nhiều mô hình hay với cách làm thiết thực, hiệu quả đã được các chi hội phụ nữ trong thị trấn triển khai thực hiện.
Phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ ngay từ lúc mới phát động đã được đông đảo chị em phụ nữ hưởng ứng. Trong đó mô hình tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo của Chi hội Phụ nữ làng Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh là một điển hình về giúp hội viên nghèo phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững.
Chị Đinh Thị PLá, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Hà Rơn, cho biết: “Chi hội có 65 hội viên, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Là làng tái định cư từ vùng lòng hồ Định Bình nên đời sống của nhiều gia đình phụ nữ còn gặp khó khăn. Thấy được điều đó, từ năm 2009 đến nay, chi hội luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho chị em. Một trong những hoạt động mà chi hội thực hiện có hiệu quả và được sự hưởng ứng nhiệt tình của 100% hội viên là tham gia các mô hình tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, thông qua nhiều hình thức như xây dựng tổ phụ nữ góp vốn, nuôi heo đất tiết kiệm tại chi hội với mục đích giúp đỡ cho hội viên khó khăn”. Trong năm 2013, đã có 2 hội viên chi hội có hoàn cảnh khó khăn được cho mượn 10 triệu đồng từ các tổ góp vốn để đầu tư trồng đậu xanh và đậu đen. Nhờ đó, sau một vụ thu hoạch, chị Đinh Thị Hạnh, một trong hai hội viên được giúp đỡ, đã thu lãi gần 4 triệu đồng. Chị Hạnh tâm sự: Dù không phải là số tiền lớn nhưng đối với gia đình tôi, sự giúp đỡ này hết sức có ý nghĩa, động viên chị em chúng tôi tích cực phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập gia đình”.
Bên cạnh việc huy động nguồn vốn để giúp đỡ hội viên nghèo, chi hội còn hướng dẫn, giới thiệu các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện ở địa phương cho hội viên, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, chăn nuôi của chị em. Chính vì vậy, đời sống kinh tế gia đình của nhiều hội viên ngày càng được nâng lên, hàng năm có từ 1 - 3 hộ do phụ nữ làm chủ hộ được công nhận thoát nghèo.
XUÂN DŨNG