Thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể:
Góp phần quan trọng bảo tồn di sản
Do chuyển động của đời sống và những tác động bất lợi của xã hội, không ít di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi so với nguyên gốc. Để góp phần bảo tồn di sản, những năm qua, Sở VH-TT&DL đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể và mang lại hiệu quả bước đầu.
Nhiều công sức thực hiện dự án
Theo các cán bộ của Sở VH-TT&DL từng tham gia thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể của tỉnh, thì việc thực hiện dự án mất nhiều thời gian và công đoạn. Khi triển khai dự án, khâu đầu tiên là phải về khảo sát điền dã thực tế ở cơ sở để nắm thực trạng di sản để làm cơ sở cho đầu tư kinh phí, huy động nhân lực tham gia phục dựng di sản đầy đủ theo đúng nguyên bản. Chẳng hạn, khi thực hiện Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể năm 2013 về Lễ hội Đô thị Nước Mặn, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức phục dựng nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục thật đầy đủ. Cụ Huỳnh Thái Sơn (73 tuổi), người dân ở thôn An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều- Canh - Mục đã mai một từ rất lâu, muốn khôi phục lại rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Nhờ sự phối hợp hỗ trợ thêm về chuyên môn từ cán bộ văn hóa, người dân địa phương mới có thể hợp sức phục dựng thành công nghi thức mang nhiều ý nghĩa này….”.
Sau khi phục dựng, các dữ liệu về lý thuyết, thực hành di sản của các nghệ nhân, người dân… sẽ được biên soạn thành 4 sản phẩm chính của dự án văn hóa phi vật thể: Báo cáo khoa học; chương trình phim tư liệu; tập ảnh khảo tả; chương trình ghi âm để giới thiệu, đánh giá về thực trạng, đưa ra định hướng bảo tồn và phát huy di sản.
Vốn quý không mất
Tỉnh ta bắt đầu triển khai thực hiện các dự án văn hóa phi vật thể từ cách đây 15 năm, đến nay Sở VH-TT&DL đã hoàn thành khoảng 30 dự án văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn triển khai những năm đầu tiên, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh được lựa chọn thực hiện bảo tồn như lễ Cầu mưa, lễ Đổ đầu của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh; đám cưới truyền thống, âm nhạc dân gian của người H’re ở huyện An Lão; lễ Ăn cơm mới, lễ Ăn trâu tạ ơn của người Bana ở huyện Vĩnh Thạnh. Giai đoạn sau là những dự án về các làng nghề truyền thống như lễ hội làng rèn Phương Danh, lễ hội làng nghề đúc đồng Bằng Châu, làng gốm Vân Sơn ở thị xã An Nhơn; làng nghề dệt chiếu Chương Hòa ở huyện Hoài Nhơn… Nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như võ cổ truyền, tuồng, bài chòi, cùng các lễ hội tiêu biểu khác trên quê hương Bình Định cũng được quan tâm bảo tồn hiệu quả qua các dự án.
Đến nay, tất cả sản phẩm dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể Bình Định đều đã đưa vào lưu trữ ở Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, một bộ sản phẩm khác cũng được giao Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh xử lý số hóa để đưa vào Ngân hàng dữ liệu phi vật thể Bình Định. Các địa phương có thực hiện dự án cũng đã được tặng các sản phẩm của dự án để làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy di sản. Sản phẩm dự án văn hóa phi vật thể cũng phục vụ hiệu quả trong việc lập hồ sơ khoa học cho nhiều di sản. Trong đó, võ cổ truyền Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.
Chung tay gìn giữ
Quá trình thực hiện dự án văn hóa phi vật thể đã có những tác động, tạo chuyển biến tích cực đến “chủ thể di sản” là người dân địa phương, để nâng cao ý thức cùng chung tay gìn giữ tốt hơn vốn văn hóa quý giá của cha ông. Ông Hồ Thành Long, người phụ trách Đội bả trạo thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), tâm sự: “Từ khi thực hiện dự án văn hóa phi vật thể về hát múa Bả trạo trong lễ hội cầu ngư của thôn cách đây nhiều năm, người dân càng thêm tự hào và hăng hái tham gia các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống ở địa phương. Nhiều gia đình đã động viên con em tham gia tập luyện bả trạo…”.
Đối với cơ quan văn hóa địa phương, những nghi thức đặc sắc theo đúng nguyên gốc di sản đã phục dựng từ các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ khi được phục dựng, bảo tồn, lễ hội Đô thị Nước Mặn năm 2013 và 2014 được tổ chức trang trọng, bài bản và bảo tồn tốt hơn, nhất là nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục…”.
Hoài Thu