Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng:
Phát sinh tiêu cực do lơi lỏng quản lý
Từ năm 2011 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tham ô tài sản có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng và do cán bộ, nhân viên của các tổ chức này gây ra.
Năm 2011, xảy ra 2 vụ tham ô tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh huyện Tuy Phước (Huỳnh Chí Trung, cán bộ tín dụng của ngân hàng này tham ô trên 19 tỉ đồng, đã bị xử tù chung thân) và Ngân hàng TMCP Quân đội (Nguyễn Văn Hòa, nhân viên kiểm ngân của Phòng Giao dịch Diêu Trì lấy trộm 405 triệu đồng, bị Tòa án quân sự Quân khu 5 xử 7 năm tù giam).
Tiếp đó, nhân viên Ngân hàng Agribank Quy Nhơn gồm Phan Thị Quy (cán bộ tín dụng), Võ Thị Ánh Ngọc (kế toán) và Võ Thị Kim Tuyến (thủ quỹ) đã tham ô trên 774 triệu đồng của đơn vị và cũng đã bị tòa xử.
Trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh những vụ tham ô với quy mô lớn hơn, xuất phát từ những sơ hở, thiếu chặt chẽ trong quản lý điều hành tại các tổ chức tín dụng nơi xảy ra vụ việc. Đó là các vụ án: Hồ Thị Thu Hương, nhân viên thủ kho tiền của Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài, từ tháng 1.2010 đến 1.2013 “thụt két” đến 31,4 tỉ đồng; và Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân xã Tây Giang, huyện Tây Sơn lợi dụng nguồn vốn của Quỹ đứng tên cá nhân mình gửi tiền 7,1 tỉ đồng, rồi vay lại 6,7 tỉ đồng để cho vay bên ngoài.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định đã phát hiện Ngân hàng Agribank thị xã An Nhơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trong phiên làm việc của Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác phòng chống tham nhũng của ngành tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định cách đây ít ngày, thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh, thành viên Đoàn giám sát, cho biết: “Từ năm 2011 đến năm 2013, có 5 vụ án liên quan về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, trong đó Cơ quan CSĐT, CA tỉnh trực tiếp thụ lý 4 vụ. Chính từ những lỗ hổng nghiệp vụ trong hồ sơ cho vay, quản lý kho quỹ... mới làm nảy sinh ra tình trạng trên. Như vụ tham ô tại BIDV Phú Tài, không hiểu quản lý như thế nào mà để nhân viên thủ kho lấy được 31,4 tỉ đồng trong vòng 3 năm trời, hàng ngày bỏ tiền vào sọt rác rồi cuối buổi mang về…”. Tại phiên tòa xử vào sáng 25.4.2014, bị cáo Hồ Thị Thu Hương khai với Hội đồng xét xử TAND tỉnh rằng hội đồng kiểm kê tiền mặt hàng ngày của ngân hàng đã không thực hiện việc kiểm kê tiền mặt cuối ngày như quy định (!).
Trả lời câu hỏi của các thành viên trong Đoàn giám sát HĐND tỉnh vì sao thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng ở các tổ chức tín dụng, ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định, cho rằng: Nếu ngân hàng nào làm tốt công tác quản lý, kiểm soát nội bộ thì sẽ hạn chế tiêu cực xảy ra. Thời gian qua, có đơn vị thực hiện tốt điều này, song cũng có lúc, có nơi còn chưa thực hiện tốt và đây là yếu tố làm nảy sinh tiêu cực.
Hồ Thị Thu Hương lãnh án chung thân
Sáng 25.4, TAND tỉnh xử sơ thẩm hình sự, tuyên phạt Hồ Thị Thu Hương (SN 1981, ở tổ 7, KV7, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) mức án tù chung thân, và anh rể Hương là Võ Hồng Sơn (SN 1971, ở tổ 1, KV 7, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn) 15 năm tù, cùng về tội tham ô tài sản. Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc các bị cáo bồi hoàn số tiền hơn 26,389 tỉ đồng cho BIDV chi nhánh Phú Tài; buộc những người liên quan đến vụ án đã nhận tiền từ số tiền do Hương tham ô mà có, phải bồi hoàn hơn 4,25 tỉ đồng.
Cảnh báo tội phạm công nghệ cao
Đây là dự báo về tình hình tham nhũng trong hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Theo ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định, ngoài các hành vi tham nhũng liên quan đến tiền tệ kho quỹ và công tác cho vay như hiện nay, xu hướng tham nhũng thông qua lĩnh vực công nghệ cao cũng sẽ dễ xảy ra trong tương lai.
Điển hình là trường hợp của nhân viên Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Quy Nhơn (VIB Quy Nhơn) tên Nguyễn Thanh Tuấn (31 tuổi, quê ở huyện Tuy Phước) đã sao chép thông tin của 35 khách hàng trên hệ thống dữ liệu rồi qua mặt lãnh đạo, tự ý mở thẻ tín dụng cho khách hàng và dùng những thẻ này rút tiền qua máy ATM, chiếm đoạt tổng cộng trên 1,5 tỉ đồng của khách hàng.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát HĐND tỉnh khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định cần tiếp tục đôn đốc các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát nội bộ các hoạt động cho vay, thẩm định giá trị tài sản, thủ tục cho vay…, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng để phòng ngừa, hạn chế tham nhũng.
THU HÀ