Tìm những tác phẩm hay về đề tài LLVT Bình Định
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (CHQS) phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề: “Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định - 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”. Cuộc thi được mở ra nhằm tìm kiếm những tác phẩm hay viết về đề tài LLVT Bình Định, tiếp tục khẳng định và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Cuộc thi dành cho 4 thể loại: thơ, bút ký, truyện ngắn, ca khúc; được phát động trên toàn quốc thông qua các kênh thông tin của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương liên quan và các Hội VHNT của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cuộc thi mở ra cơ hội để đưa hình ảnh người lính đi vào văn học, âm nhạc Bình Định.
- Trong ảnh: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. (Tranh cổ động chống Mỹ của NGUYỄN THỤ - HUY OÁNH, Màu bột, 1970)
Một đề tài lớn còn bỏ ngỏ
Viết về người lính, về đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng lớn và trách nhiệm thiêng liêng của người cầm bút. Và thực tế đề tài này đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học cách mạng nước nhà.
Với Bình Định, tác phẩm văn học (bao gồm cả thơ và văn xuôi) phản ánh đậm nét về đề tài LLVT Bình Định đến nay nhìn chung vẫn còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, có những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong số này, đáng kể nhất là tiểu thuyết “Năm 1975 họ đã sống như thế” của nhà văn quân đội Nguyễn Trí Huân. Tiểu thuyết này lấy bối cảnh đồi Du Tự - Ân Phong, một trong những chiến trường khốc liệt trên địa bàn huyện Hoài Ân. Nhưng Nguyễn Trí Huân không phải là người Bình Định, quê ông ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Các tác giả là người Bình Định viết về đề tài chiến tranh không nhiều. Người viết không nhiều và tác phẩm cũng rất ít, có thể kể đến truyện ngắn “Người vùng sâu” của Bùi Thị Chiến, tập bút ký “Mười ba ngày trong cuộc đời” của Từ Quốc Hoài (hai tác giả này hiện đang định cư ở TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra có thể kể đến Lê Hoài Lương với bút ký “Đồi 10 - những khoảnh khắc mang tầm lịch sử”; Mai Thìn viết khá nhiều thơ về đề tài chiến tranh, trong đó có thể kể đến “Ba khúc chân” - bài thơ anh viết về nữ chiến sĩ có tinh thần thép Trần Thị Thanh Lịch, quê Hoài Châu - Hoài Nhơn, người ba lần bị giặc cưa chân…
“Đề tài về LLVT Bình Định đi vào văn học trong tỉnh hầu như còn rất mỏng, chưa đủ sức phản ánh một cách khái quát và thật sự sâu sắc, đa diện về người lính. Đặc biệt, mảng đề tài về người lính giữa đời thường, đời sống nội tâm của người lính đặt trong mối va đập, đấu tranh quyết liệt giữa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với cuộc sống kinh tế thị trường đầy cám dỗ… hầu như chưa được khai thác. Những hình ảnh rất đẹp về người lính trong mối quan hệ với nhân dân gần đây xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện báo chí truyền thông như bộ đội giúp dân, cứu dân trong thiên tai… cũng vắng bóng trong văn học. Vì vậy, Cuộc thi sáng tác VHNT về LLVT Bình Định với chủ đề: “Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định - 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” là một sự gợi mở, khích lệ kịp thời đối với những người sáng tác hướng đến đề tài lớn còn bỏ ngỏ này” - nhà văn Lê Hoài Lương cho biết.
Theo Đại tá Trần Đức Thắng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, để Cuộc thi đạt kết quả tốt, Ban tổ chức đã gợi ý một số nội dung sáng tác về LLVT Bình Định theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1945 - 1975, tác phẩm tập trung ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; những Mẹ Việt Nam Anh hùng trên quê hương Bình Định; tình cảm hậu phương đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Ở giai đoạn 1975 đến nay, phản ánh các hoạt động của LLVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và LLVT nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên các lĩnh vực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, tuyển quân, lao động sản xuất, đối ngoại quốc phòng, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, về tình đoàn kết quân dân, công tác hậu phương quân đội…
Hưởng ứng của chiến sĩ và văn nghệ sĩ Bình Định
Trong 4 thể loại được quy định tại Cuộc thi, đã có tới 3 thể loại thuộc lĩnh vực văn học (bút ký, thơ và truyện ngắn). Có thể nói, một cuộc thi sáng tác VHNT (theo chủ đề) cấp tỉnh, được phát động trên quy mô cả nước là cơ hội để những người sáng tác trong tỉnh tìm tòi, sáng tạo và khẳng định “bút lực” của mình. Trong đó, thành phần tham gia chiếm một số lượng không nhỏ là 80 hội viên Chi hội Văn học.
Phát động từ đầu tháng 3.2014, (hạn kết thúc nhận bài đến hết ngày 15.6.2015), đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được một số tác phẩm gửi đến tham dự Cuộc thi. Được biết, hiện nay, Ban Tuyên huấn - Phòng Chính trị (thuộc Bộ CHQS tỉnh)- kênh tiếp nhận tác phẩm dự thi của đối tượng là cán bộ, chiến sĩ LLVT đã nhận được 3 tác phẩm (2 bài thơ, 1 ca khúc) từ các đơn vị cơ sở. Địa chỉ tiếp nhận còn lại là Hội VHNT tỉnh cũng đã nhận được khoảng 20 tác phẩm ở 3 thể loại: thơ, truyện ngắn và ca khúc. Những tác giả đã tích cực tham gia Cuộc thi này là Nguyễn Thị Phụng, Lê Bá Duy (truyện ngắn); Nguyễn Đình Sinh, Miên Linh, Hồ Thế Phất (thơ); Bùi Thái Duy (ca khúc)…
Theo thiếu tá Phan Văn Hổ, Trưởng Ban tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh, đây là lần đầu tiên Bộ CHQS tỉnh tổ chức một cuộc thi sáng tác VHNT về LLVT, đặt nhiều kỳ vọng sẽ có được những tác phẩm văn học và ca khúc chất lượng nghệ thuật cao. Nhằm hỗ trợ tối đa cho những người tham gia sáng tác dự thi, ngoài tổ chức 3 chuyến đi thực tế cho tập thể, Bộ CHQS tỉnh còn sẵn sàng cung cấp hình ảnh, tư liệu về những sự kiện lịch sử, tài liệu về chiến tranh nhân dân ở Bình Định, các gương điển hình tiên tiến trong ngành LLVT… để các cây bút có điều kiện tìm hiểu, chọn lọc, thể hiện ý tưởng, tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, hướng đến những tác phẩm “người lính viết về người lính”, Bộ CHQS tỉnh cũng phổ biến rộng rãi về Cuộc thi đến 23 đơn vị trực thuộc, khuyến khích mọi chiến sĩ tham gia sáng tác.
Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định Trần Quang Khanh cho biết: “Sáng tác về LLVT là đến với một đề tài khó, họ rất cần được gợi mở về đề tài, hỗ trợ về mặt tư liệu… Bên cạnh việc thường xuyên động viên, khuyến khích hội viên tham gia tích cực Cuộc thi, việc Hội VHNT và Bộ CHQS tỉnh tổ chức 3 chuyến đi thực tế đến các đơn vị, địa phương, chiến trường, hy vọng sẽ tạo điều kiện cho các cây bút trong việc tiếp cận đề tài, hình thành ý tưởng và thể hiện”.
SAO LY
Thống nhất và rất cần tư liệu về các chiến công của lực lượng vũ trang tỉnh nhà