Gương buồn
* Truyện ngắn của khuê việt trường
Mười sáu tuổi, Xuân đã biết soi gương. Chiếc gương soi nhỏ hình bầu dục lồng trong lớp nhựa bày bán quảng cáo bởi một chàng thanh niên mau miệng, liến thoắng reo: “Gương thần đây, gương thần đây, mua về hỏi thử thế gian này ai đẹp hơn mình. Giá rẻ như cho, còn tặng thêm chiếc lược chải tóc để tóc lúc nào cũng mượt mà”. Chiếc gương nhỏ mua trong buổi chợ trở thành vật quý của cô gái 16 tuổi, thỉnh thoảng đem ra sau hè, ngồi dựa lưng vào vách mà ngắm nhìn mình. Ngay từ khi đó, Xuân biết rằng mình đẹp.
Sắc đẹp là sự ban tặng của thượng đế, cho nên dù mỗi ngày phải gánh gánh rau trĩu nặng qua con đường làng ra chợ quê. Con đường đầy những lá cỏ xanh đêm đêm ngậm đầy những hạt sương, khi những tia nắng mặt trời chiếu xuyên qua những lá cỏ ngậm sương biến chúng thành những hạt kim cương lóng lánh. Xuân đi qua vô vàn hạt kim cương ảo giác đó mà cứ tưởng như mình đang lướt trên một vùng hào quang rực sáng. Khi chợt nhận ra là mình đẹp, Xuân vẫn thường hay mơ tưởng đến chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích: “Chuyện kể rằng hôm hoàng tử tổ chức kén vợ, cô bé lọ lem đã được bà tiên ban phép cho những chú chuột thành những con ngựa tốt, trái bí thành cỗ xe và áo quần xinh đẹp đến dự. Khi tiếng chuông đồng hồ báo hiệu đã 12 giờ đêm, nàng phải vội vã ra về vì phép màu sẽ hết, để rơi chiếc giày lại cho hoàng tử. Chiếc giày đó chỉ có nàng là đi vừa, cho nên mặc dù bao đôi chân ướm thử vẫn không thể nào giữ được nó”.
Chuyện cổ tích dù sao cũng chỉ là do sự tưởng tượng của con người tạo ra, thêm thắt mãi cho nó trở nên hấp dẫn. Nhưng mười sáu tuổi, Xuân đã dành dụm tiền để ra cửa hiệu mua một đôi giày, biết đâu sẽ có một hoàng tử trong mộng tìm đến? Ở làng quê buồn thỉnh thoảng mới có đoàn hát về, hoặc đoàn phim đến chiếu phim trong những ngày lễ lạt hiếm hoi, Xuân chẳng có cớ mang giày.
Mười tám tuổi, Xuân mới có dịp mang đôi giày mua từ hai năm trước mang vào đôi chân xinh xinh của mình. Đôi chân mềm và đỏ hồng ấy để vào đôi giày đen, đính một bông cườm trên mũi mới xinh đẹp làm sao. Hôm đó, có đoàn văn công từ trung ương về biểu diễn. Làng quê nhỏ với bờ tre xanh nghiêng bên con sông cứ mỗi mùa mưa lũ lại lở sâu vào, dường như sôi động hẳn lên. Trong đêm biểu diễn, Xuân nổi bật lên bên cạnh những cô gái khác. Trai làng tìm cách gây sự chú ý của Xuân. Nhưng Xuân lại đang thả hồn mình lên trên sân khấu. Giữa rực rỡ sắc màu, Xuân đã nhìn thấy chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích của mình, đó chính là chàng ca sĩ Đoan Hùng. Đoan Hùng hát như thể anh đang dành cho Xuân bài hát này, đôi mắt Xuân chạm phải đôi mắt anh khi anh nhìn xuống đám đông bên dưới. Đó là xao xuyến, đó là hoảng hốt. Trái tim cô gái 18 tuổi như reo lên khi biết là từ bây giờ nó không còn nằm im ngoan trong lồng ngực nữa.
Đoàn hát ở lại làng hai ngày. Đoan Hùng cũng ở lại làng hai ngày. Họ được sắp xếp ở trường tiểu học gần nhà Xuân. Ngay tức khắc, Đoan Hùng làm quen được với Xuân.
Đó có thể chỉ là cơn gió thoảng của mùa thổi qua trên cánh đồng Ma trong mùa gặt mới. Sự rung động cũng có thể chỉ là cái nắm tay dịu dàng giữa con đường làng, dưới gót chân là những bông hoa cỏ dại khờ lặng lẽ nở những đóa tím ngắt mà chẳng ai buồn ngó ngàng. Rồi những bông hoa cỏ đó sẽ tàn lụi theo chu kỳ, mang hạt nhỏ của mình nương theo gió bay đi, nhân rộng sự sinh tồn. Xuân cũng chỉ là bông hoa cỏ, nhưng Đoan Hùng không là gió để có thể mang những hạt mầm đi xa, đưa bông hoa cỏ nhỏ bé của làng quê ra đi. Xuân khờ khạo chạm nụ hôn đầu đời của mình trộn lẫn với tiếng ếch nhái kêu vang trong đêm, nụ hôn đã giữ lại cho Xuân một mơ tưởng rằng Đoan Hùng sẽ tìm đến cô, như đêm đó Đoan Hùng đã nói:
- Tóc em được ánh trăng dát vào đẹp hơn bất cứ mái tóc nào anh đã thấy.
Đoan Hùng chỉ nói thế, nhưng Xuân thì lại nhìn về tương lai:
- Anh có trở lại nơi này không?
- Ừ, trở lại để tìm em.
Người con trai tên Đoan Hùng đó đâu có thì giờ để nhớ về. Lần đó là duy nhất và cũng là lần cuối cùng Đoan Hùng ghé miền quê nhỏ đó. Anh đánh đổ trái tim cô gái 18 tuổi bằng vầng hào quang trên sân khấu, rồi anh quên. Anh lại tiếp tục bước chân của mình đến những con đường làng đỏ au màu đất. Một hai ngày ghé tạm, có thể anh lại rủ một cô gái nào đó ra bờ đê, để cũng khen mái tóc cô ta đẹp.
Thời gian không ai biết nó qua tự bao giờ. Nó như những chiếc lá vàng trên hàng cây bàng trước ngôi trường tiểu học trong xóm cứ lặng lẽ rụng rơi để cây trổ lá non vươn cành cao lớn. Đoan Hùng là kỷ niệm 18 tuổi, nhưng đó lại trở thành mẫu mực cho Xuân để Xuân tìm lấy cho mình một người đàn ông dắt tay mình đi trên cuộc đời mình. Còn chiếc gương soi ngày xưa đã trở thành một đồ vật hỏng, Xuân ném nó đi rồi.
Trong làng có Hoàng. Hoàng cũng đẹp trai giống như một diễn viên trong các phim truyện. Hoàng ở đầu ngõ nhà Xuân, họ nhìn thấy nhau mỗi ngày, chào hỏi nhau mỗi ngày. Trai gái trong làng cho đây là một cặp xứng đôi vừa lứa. Hoàng lại hát hay, anh vẫn thường gảy đàn mà hát một mình hoặc trong những buổi sinh hoạt đoàn thể của thanh niên trong xóm, Hoàng trở thành cây văn nghệ chính. Chính Hoàng đã luyện giọng cho Xuân dẫu rằng Xuân hát không hay. Chính những buổi sinh hoạt như thế đã khiến cho hai trái tim nảy sinh lòng thương nhớ. Có ai xứng với Xuân hơn Hoàng? Bởi trai làng vẫn đứng từ xa nhìn Xuân giống như ngắm nhìn một bông hoa đẹp. Bông hoa đẹp trong vườn liệu có bung cánh nở thắm mãi cho người nhìn ngắm? Chỉ có Hoàng là đến gần, nhưng vẫn chỉ là đôi bàn tay run lo sợ gai của đóa hoa sẽ làm trái tim Hoàng ứa máu.
Hoàng yêu Xuân theo cách của anh, bởi với anh Xuân giống như là một chiếc lọ thủy tinh xinh đẹp, còn anh là người làm vườn vụng về, không có một bông hoa đẹp nào trong vườn để cắm vào chiếc lọ đó. Anh gánh dùm Xuân gánh rau nặng trĩu ra chợ, anh xách nước đổ đầy các lu nước nhà Xuân. Trong khi đó thì đôi mắt Xuân cứ mãi vời trông ở một phương trời xa lắc. Xuân nói với Hoàng:
- Em không nói là em không quý mến anh. Nhưng chúng ta không thể trở thành chồng vợ được đâu?
Hoàng xoay người nhìn Xuân:
- Tại sao anh không lấy em làm vợ được? Anh sẽ lo cho em tất cả, lo những gì mà em muốn.
Xuân thở dài:
- Không được mà. Em muốn có một người chồng có thể giúp em khỏi phải gánh rau ra chợ bán. Người ấy nhất định phải có địa vị trong xã hội. Còn anh, anh chỉ có tình yêu thôi không đủ đâu.
Buổi chiều chia tay của họ của tiếng còi xe lửa não lòng bỗng rúc lên từng hồi xa xa. Những con cò trắng từ đây bay ngang làm trắng xóa cả bầu trời.
Trên tay cầm cây đàn, Hoàng đập nó lên tảng đá trước mặt. Những sợi dây đàn rướn mình cố tạo ra một âm thanh lần cuối như một âm thanh chia lìa. Trời nhiều mây gió, nên chẳng có bóng Hoàng đổ ngã trên con đường làng. Xuân vẫn ngồi đó, nhìn theo.
***
“Vậy mà ta đã ba mươi tuổi rồi sao?”. Xuân soi mặt mình trong gương. Một vết chân chim mờ nhẹ đã in sau khóe mắt xinh xinh. Tiếng loa đang rao vang cùng trong xóm báo cho dân làng biết rằng tối nay sẽ có một đoàn cải lương về diễn. Những cô gái đi ngang đường đang kháo nhau là anh chàng kép chính trong đoàn đẹp trai và hát rất mùi. Nếu cách đây mười năm, chắc Xuân cũng nhập vào đám đông đến trường tiểu học để xem mặt chàng kép chính. Nhưng sao trong lòng Xuân giờ này buồn bã quá đỗi. Buồn bã như tiếng con chim “bắt cô trói cột” đang ở góc nào đó mà tiếng kêu lại vang trời.
Xuân xếp chiếc kính để vào trong túi xách. Đã tới giờ cơm rồi. Bữa cơm chỉ có hai mẹ con ngồi ăn, tiếng và cơm nghe rõ mồn một, bởi chẳng ai nói chuyện với ai.
Bữa cơm xong, Xuân dọn dẹp chén bát xuống bếp. Nỗi buồn òa tràn như sóng đang tràn về trên biển. Tiếng mẹ nói vọng ra:
- Đẹp như mày để rồi kén cho lắm vào. Con gái cùng lứa với mày đứa nào cũng có chồng, đẻ con. Phải hồi đó mày đừng chê thằng Hoàng thì cháu ngoại của tao giờ cũng đã vào lớp một.
Điệp khúc đó của mẹ buồn da diết làm sao? Chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích chẳng về để đưa chiếc giày ướm vào chân công chúa. Xuân đợi chàng hoàng tử của mình đến rồi cùng chàng qua sông rộng. Cho nên sau khi Hoàng đập vỡ cây đàn, rồi bao nhiêu mối mai tới Xuân đều lắc đầu. Rồi chẳng có ai tới gõ cửa này nữa.
Xuân bước chân ra cửa. Treo trên hàng dừa xanh kia vẫn là ánh trăng non của một đêm nào. Trăng vẫn là trăng, nhưng dường như trăng cũng đã già hơn từ ngày tiếng đàn đã vỡ. Xuân bỗng nhớ Hoàng kỳ lạ nhưng anh đã lìa xa làng quê này lâu rồi. Không biết anh đã có thêm một lần nào nữa đập vỡ tiếng đàn?
K.V.T