Sách và văn hóa đọc
Bắt đầu từ năm nay, ngày 21.4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Từ ngày 21.4, khắp nơi trên cả nước đã sôi nổi diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Ở Bình Định, ngày 25.4 tại Thư viện tỉnh đã khai mạc triển lãm sách Bình Định lần thứ I trưng bày 700 bản sách ở 5 chuyên đề: sách về Bình Định, chủ quyền biển đảo Việt Nam, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới và sẽ mở cửa phục vụ bạn đọc đến hết ngày 28.4. Việc hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam còn diễn ra một số hoạt động phong phú tại các nhà sách, thư viện, trường học….
Việc chọn ngày 21.4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời của mọi người dân, từ trẻ đến già và thuộc mọi tầng lớp dân cư. Đây sẽ là sự kiện “điểm nhấn” để khôi phục một hoạt động rất cần thiết, mang tính học tập suốt đời là đọc sách đang có xu hướng bị mai một trong xã hội ta. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố, tính trong năm 2013 trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc chưa đầy 1 quyển sách (0,8 quyển), tỉ lệ đọc sách ở các thư viện công cộng còn thấp hơn (0,38 quyển/năm). Một số liệu thống kê khác của Bộ Thông tin - Truyền thông công bố thì tình hình có khả quan hơn với tỉ lệ bình quân sách/đầu người ở nước ta là 2,8 quyển, nhưng đây vẫn là một con số rất thấp khi so sánh với các nước văn minh.
Có lẽ không cần bàn cãi về giá trị của sách và việc đọc sách trong việc bồi bổ tri thức và tâm hồn cho mỗi con người. Từ những cuốn sách bé nhỏ trên tay, mỗi người trong chúng ta đều có thể khám phá kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại tích lũy trong hàng ngàn, hàng vạn năm, hiểu biết thêm vô vàn những điều kỳ thú trên khắp thế giới. Cũng từ những điều tốt đẹp gợi mở từ những trang sách con người ta trở nên văn minh và nhân văn hơn. Ngày nay, việc đọc sách ngày càng thuận tiện hơn bởi bên cạnh việc đọc sách theo thói quen truyền thống, người đọc còn có thể thoải mái đọc sách qua mạng mọi lúc, mọi nơi nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt của sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật và công nghệ, thời đại kỹ thuật số bùng nổ với sự phát triển ồ ạt của internet cũng đã và đang tác động tiêu cực đến xuất bản sách và văn hóa đọc của xã hội. Trong những năm gần đây, tỉ lệ người đọc sách và văn hóa đọc ngày càng sa sút để “nhường” thời gian cho các trò chơi và các thú tiêu khiển hấp dẫn khác ngày càng nhiều trên mạng. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng trên đang ngày càng trở nên phổ biến và chiếm ưu thế trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các hạn chế khác tồn tại lâu nay như: giá sách bán ra vẫn còn cao so với mức thu nhập của xã hội, sách lậu tràn lan khiến nhà xuất bản lao đao, xuất bản còn xô bồ do chạy theo lợi nhuận, thời gian dành cho việc đọc sách ít đi do học sinh phải học thêm, người lớn phải vật lộn mưu sinh… cũng là những nguyên nhân khiến cho chất lượng sách xuất bản không cao, số người đọc sách sụt giảm. Thực trạng này là một hồi chuông cảnh báo cho sự sa sút trong đời sống tinh thần của xã hội chúng ta trong lĩnh vực văn hóa đọc.
Vì vậy, sự kiện Ngày Sách Việt Nam 21.4 ra đời với sự bảo trợ của Nhà nước là hết sức có ý nghĩa và cần thiết nhằm khôi phục thói quen đọc sách, vực dậy văn hóa đọc trong xã hội ta. Để thiết thực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, mỗi người chúng ta cùng chung tay xây dựng, nâng tầm văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội của một đất nước giàu truyền thống hiếu học như nước ta.
Hãy luôn nhớ một danh ngôn không bao giờ cũ: “Không có sách, không có tri thức”!
HẢI ĐĂNG