“Gia đình khí tượng” và câu chuyện “đi đảo”
Gia đình ông Võ Thống ở xóm Thanh Tân, thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn được mọi người đặt cho tên gọi khá đặc biệt: “gia đình khí tượng”. “Đi đảo” là cách nói của gia đình này về những chuyến đi biền biệt đất liền của người thân đến nơi đầu sóng ngọn gió, nghe giản dị và nhẹ hều như ra đồng ra bãi.
Gia đình ông Thống có đến 6 người gồm cha, chú, hai con trai, con gái và con rể đều theo nghề khí tượng và thủy - hải văn. Ông Thống đã từng có 3 năm làm công tác này tại quần đảo Trường Sa - Việt Nam, hai người con trai của ông cũng nối nghiệp và nối gót cha lặng lẽ “đo nắng, đếm mưa” ở đảo thiêng.
Lặng lẽ “đo nắng, đếm mưa”
Trạm Khí tượng Hoài Nhơn nằm trên một khu đất cao cạnh quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân. Tôi đến thăm vào một ngày Chủ nhật, chỉ có Trạm trưởng Võ Thống trực. Người đàn ông trung niên hơi gầy và khắc khổ này đã có 37 năm gắn đời mình với nghề khí tượng. Ông ngồi lặng lẽ trong phòng làm việc đợi đến giờ “ốp”. “Ốp” tức obs, là cách gọi trong ngành để chỉ các ca trực trong ngày. Ở Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, mỗi ngày có 8 lần vào obs. Người trực ngày trước có nhiệm vụ làm việc đến hết obs 7 giờ sáng, xong xuôi đâu đó bàn giao lại cho người trực thay.
Đồng hồ treo tường trong phòng nhích dần về con số 13 giờ, báo hiệu đã đến obs thứ 3 trong ngày, với cuốn sổ và bút trong tay, nón bảo hộ công nhân đội đầu, ông Thống đi nhanh về phía vườn quan trắc nằm cách không xa nhà làm việc. Nhanh tay mở cánh cổng vườn quan trắc, ông đến bên cạnh từng thiết bị: đo gió, đo lượng mưa, đo bốc hơi, đo nhiệt độ mặt đất…, căng mắt vào những con số nhỏ xíu hiển thị trên đó và ghi vào sổ. Thu thập xong số liệu trên các thiết bị, ông đi như chạy về phòng làm việc, nơi có chiếc máy vi tính đang mở sẵn, nhanh chóng chuyển toàn bộ số liệu về Tổ thông tin, Trạm Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ (đặt tại Khánh Hòa).
Nét mặt lúc này đã thư thái trở lại, ông Thống tiếp tục mạch chuyện bị cắt ngang vì đến giờ vào obs. “Tôi học sơ cấp khí tượng, ra trường năm 1977 và làm việc trong ngành từ đó đến giờ. Ngoài 3 năm “đi đảo”, trong đó 1 năm làm tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa (ở đảo Trường Sa Lớn) và 2 năm làm tại Trạm Khí tượng Song Tử Tây, hầu hết thời gian còn lại tôi làm ở đây”, ông Thống cho biết.
Cứ cách 3 giờ vào obs 1 lần, thời gian làm việc mỗi obs diễn ra trong chừng 5, 7 phút, thời gian còn lại - nói như ông Thống là “rảnh không”. Chỉ có điều, thử thách và khắc nghiệt của nghề lại nằm trong chính sự nhàn hạ ấy. “Cái khổ của công việc không nằm ở việc phải tính toán, suy nghĩ đầu óc nhiều hay lao động tay chân nặng nhọc mà ở yêu cầu phải đảm bảo tính chuẩn xác của từng số liệu và tuân thủ quy định thời gian vào obs bất kể ngày hay đêm, trong điều kiện thời tiết thế nào. Hơn thế nữa là chịu đựng được cái buồn, cô đơn, lặng lẽ của một môi trường làm việc đặc thù”, ông Thống khẳng định.
Nói đến đây, ông Thống trầm ngâm. Ông bảo, so với nhiều người trong ngành, mình khá may mắn vì được làm việc gần nhà. Chịu thiệt thòi là những người công tác xa nhà, xa vợ con, bám trạm nơi heo hút hay giữa trùng khơi. Tôi hiểu ông muốn nói đến những thế hệ đồng nghiệp đang lặng lẽ “bắt mạch” biển trời tại hàng trăm trạm khí tượng, thủy văn, hải văn trên khắp đất nước này, trong đó có hai con trai của ông ở Trường Sa.
Nối gót cha ra đảo
Năm 2007 ông Thống tạm biệt vợ con, xa đất liền để đi chuyến công tác xa nhà dài nhất trong đời: nhận nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, thời hạn trở về là khi đủ 3 năm công tác. Nhận tháng lương “đi đảo” đầu tiên của chồng, ở quê nhà, bà Nguyễn Thị Liên nghĩ ngay đến một việc hệ trọng: phải cho các con đi học trở lại. Khi ấy, học hết cấp 3, ba anh em Võ Thanh Hải, Võ Thị Thu Hương và Võ Thành Tín lần lượt vào TP Hồ Chí Minh bôn ba tìm việc làm, kiếm sống bằng nhiều nghề. “Hồi ấy chưa có điện thoại gọi ra đảo thuận tiện như bây giờ, tôi lên trạm Hoài Nhơn hẹn liên lạc với chồng qua bộ đàm, bàn về việc cho các con học lên nữa. Gọi các con về, tôi nghẹn ngào khi nghe cả 3 đứa đều nói muốn theo nghề của ba! Hải và Hương nhập học cùng ngày, cùng lớp, cùng tốt nghiệp (năm 2009), Tín ra trường sau anh chị 1 năm, tất cả đều theo ngành khí tượng”, bà Liên cho biết.
Ra trường, nhận công tác tại các trạm khí tượng thủy văn ở đất liền một thời gian, anh em Hải, Tín lần lượt viết đơn tình nguyện đi đảo. Anh Võ Thanh Hải chính thức đặt chân lên đảo từ tháng 7.2010, nhận nhiệm vụ tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa. Từ tháng 4.2013, anh chuyển sang Trạm Khí tượng Song Tử Tây, giữ chức Trạm trưởng. Người trong ngành hay gọi đùa ông Thống và người con trai lớn là “hai người đồng cấp”, bởi trong 3 năm công tác ở Trường Sa, ông Thống cũng có 2 năm làm Trạm trưởng. Tháng 12.2011, người em trai Võ Thành Tín cũng có mặt ở đảo, bắt đầu cho chặng dài 3 năm công tác xa nhà của một “người lính” khí tượng trẻ.
Trong cuộc điện thoại ra đảo, anh Hải cho tôi biết thời tiết Trường Sa mùa này khá đẹp và “hiền”. Lệ thường trong năm, khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 5- 6 (âm lịch), công việc của những người làm công tác khí tượng, hải văn, hải đăng “dễ thở” hơn. Từ tháng 7 trở đi đến hết năm, thời tiết ở Trường Sa như cuồng nộ, có khi mưa cả tháng không ngớt và thường xuyên có gió xoáy, giông, chớp… Trạm Khí tượng Song Tử Tây là trạm cấp 2, mỗi ngày có 4 obs, vào các giờ: 1, 7, 13, 19.
“Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi, giờ nào cũng được xem là giờ vào obs. Đảo Song Tử Tây là nơi đầu tiên của đất nước hứng chịu những cơn bão trên biển Đông trước khi đổ bộ vào đất liền. Đảo còn có âu tàu, là chỗ dựa, neo đậu, tránh trú cho tàu thuyền trước khi có áp thấp nhiệt đới, bão to trên biển. Do vậy mà những số liệu về thời tiết mà Trạm Khí tượng Song Tử Tây thu thập, cập nhật có vai trò quan trọng, giúp dự báo cho người dân trong đất liền cũng như hàng vạn ngư dân trên biển Đông biết trước những biến động thời tiết để tránh trú an toàn. Công việc quan trọng và có ý nghĩa như vậy, buộc anh em chúng tôi không thể lơ là”, anh Hải cho biết.
Ở Trạm Khí tượng Song Tử Tây, ngoài anh Hải còn có hai quan trắc viên trẻ là Nguyễn Thành Duy, sinh năm 1987, quê tỉnh Thái Bình và Từ Tất Hà, sinh năm 1992, quê Hà Nội. Tháng 6 tới, Trạm sẽ bổ sung thêm mạng hải văn để đo sóng, cấp sóng, độ mặn, nhiệt độ nước biển, thủy triều, tuần trăng và nước dâng. Trạm sẽ được tăng cường thêm 2 người phụ trách bộ phận hải văn; tuy nhiên, với trách nhiệm của người trạm trưởng, sắp tới công việc của anh Hải sẽ còn nặng nề hơn.
Với người em trai Võ Thành Tín, sau 27 tháng bám đảo Trường Sa Lớn, anh đang có mặt ở quê nhà trong chuyến về phép và nhận công tác tại đất liền 1 năm trước khi “đi đảo lần 2”. Đơn vị mới trên đất liền của anh cũng chính là Trạm Khí tượng Hoài Nhơn. 2 năm rưỡi sau đám cưới, anh Tín cùng người vợ trẻ Võ Thị Hà vẫn là đôi vợ chồng son. Họ chỉ được ở bên cạnh nhau vài tuần ngắn ngủi sau đám cưới rồi sau đó là những tháng dài biền biệt. “Trong 3 năm phục vụ ở đảo, cán bộ khí tượng có cơ hội được về đất liền nhận công tác 1 năm nếu có “lính trẻ” thay thế, sau đó lại tiếp tục ra đảo phục vụ cho đến khi đủ “định mức”. Quy định có tính chất khích lệ, nhân đạo này của ngành giúp cho những người lính khí tượng bám đảo có điều kiện về thăm gia đình và được tiếp thêm sức mạnh để vững vàng nơi đảo tiền tiêu”, anh Tín tâm sự.
Vững lòng ở Trường Sa
Hoàn thành phục vụ 3 năm ở Trường Sa, ông Thống cũng kịp có mặt để tiễn con đi đảo, không quên dặn dò, truyền cho con một số kinh nghiệm, “kỹ năng” sống ở đảo. Các con ông Thống kể, rằng những gì cha phác họa về hành trình “đi đảo”, 3 năm sống và làm việc ở đảo rất đơn sơ, ngắn gọn. Điều đó cũng không quá lạ lẫm trong hình dung, mường tượng của từng người, bởi anh và em đều đã tự tìm hiểu qua nhiều nguồn để trang bị, “lên dây cót tinh thần” cho mình trước khi lên tàu. Những điều rất quen nói lên tưởng đã thuộc lòng về Trường Sa: phải trải qua cơn say sóng rũ rượi, thèm đến vô cùng một giây tàu không chòng chành để xoa dịu cơn say sóng nhưng chẳng thể nào được; là cảm giác thèm được tắm, thèm được ăn rau xanh, là những tháng ngày triền miên với mì tôm, đồ ăn đông lạnh, thực phẩm đóng hộp. Và trên hết là nỗi nhớ đất liền, thèm hơi ấm người thân. Là ngày ngày bền bỉ tìm vui trong một công việc lặng lẽ. Chỉ có bầu trời, biển cả mênh mông cùng nắng, mưa, gió… và những con số, thiết bị, máy móc làm bầu bạn.
Những thử thách ấy - tại sao các thành viên trong “gia đình khí tượng” này đều vượt qua được? Ngoài con gái Võ Thị Thu Hương, là nữ, không thuộc diện công tác ở đảo, còn lại ông Thống cùng hai con trai, người em ruột Võ Thái Hoàng, con rể Đào Bá Cao đều đã và đang công tác ở Trường Sa. Đặt câu hỏi ấy với ông Thống, tôi nhận được câu trả lời giản đơn rằng: “Đã xác định theo nghề là chấp nhận một môi trường làm việc lặng lẽ, chấp nhận mọi khắc nghiệt của điều kiện sống, mọi rủi ro, bất trắc. Ở Trường Sa, tuy không phải tất cả đều mặc áo lính, nhưng mỗi cán bộ công tác trên đảo, mỗi người dân sống trên đảo, mỗi ngư dân đánh bắt trên đảo, đều là chiến sĩ, đều có nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thức ấy là sức mạnh để chúng tôi yên tâm bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ”.
SAO LY