Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu
Quan điểm này là bài học rút ra từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó cũng là bài học của nhân loại đúc kết qua suốt mấy nghìn năm hình thành và phát triển nền văn minh. Trong lịch sử văn minh cổ đại rồi đến thời Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI), con người được đặt lên đỉnh cao của toàn bộ phát triển tiến hóa, thế giới tinh thần của con người được coi là tinh hoa của lịch sử văn minh và là thần tượng của khoa học và nghệ thuật. Từ giữa thế kỷ XVII, khi phương Tây chuẩn bị đi vào công nghiệp hóa, tư duy lý trí, trí tuệ được coi là động lực phát triển của loài người. Sau đó, bắt đầu thế kỷ Ánh sáng, được coi là thế kỷ giáo dục. Sau này, các nước đi vào công nghiệp hóa cũng theo con đường ấy. Nói tới thần kỳ Nhật Bản đi từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ lạc hậu sang văn minh là nói tới “hiệu năng Nhật Bản”, là sự tác động quyết định nhân tố con người tạo nên. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới cũng coi giáo dục là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày nay, cả nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI - thế kỷ của trí tuệ, của nền kinh tế tri thức, vấn đề con người đã được đặt ra ở tầm cao mới, coi con người là vốn quý nhất, coi sự phát triển nguồn nhân lực con người là cuộc cách mạng trong bối cảnh thế giới đang biến động mạnh mẽ, cùng hợp tác, cùng cạnh tranh. Nguồn lực con người là số dân và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực và phẩm chất. Vì vậy, chúng ta phải tập trung chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo, phát huy sức mạnh của con người Việt Nam thành lực lượng lao động xã hội, lực lượng sản xuất đủ bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đủ sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của con người và các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài phải thể hiện thành sức mạnh của đội ngũ nhân lực, trong đó có bộ phận nhân tài, trên nền sức mạnh dân trí với cốt lõi là nhân cách, nhân phẩm đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy nguồn lực con người luôn được quan tâm hàng đầu và đó là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân với đội ngũ trí thức là nòng cốt. Đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, con người là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội tạo cơ sở để thực hiện quan điểm phát triển nội sinh, tức là phát triển kinh tế - xã hội do con người và vì con người, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội và quay lại phục vụ văn hóa phát triển, lấy văn hóa dân tộc làm bệ phóng cho công nghệ tiên tiến, lấy nguồn lực con người là điều kiện cơ bản đi vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, Điều 61 Hiến pháp 2013 quy định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật, người nghèo được học văn hóa, học nghề.
Đây là cơ sở pháp lý để đội ngũ làm công tác giáo dục đang có và sẽ được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Có điều chúng ta phải tự nhắc nhở nhau chính là sự nỗ lực tự thân mỗi người. Phải nhớ chân lý là muốn giáo dục người khác, trước hết phải tự giáo dục mình, tự rèn luyện bản thân, tự bồi dưỡng trình độ, tự bảo vệ và nâng cao uy tín, xứng đáng với lòng tin và mong đợi của nhân dân.
TRUNG NGÔN