Vĩnh biệt Võ sư PHAN THỌ
Đại lão Võ sư PHAN THỌ quê Thủ Thiện Thượng, Bình Nghi, Tây Sơn vừa qua đời. Ông là một trong những “cây đại thụ” của võ Bình Định và cả nước, là tấm gương sáng về đức độ, sự khiêm nhường, luôn hết lòng giúp đỡ mọi người và giữ được khí tiết của con nhà võ. Ngay từ lúc niên thiếu cho đến trước khi qua đời, Thầy đã dồn hết tâm trí, sức lực cống hiến trọn vẹn, thủy chung cho sự nghiệp võ học của dân tộc. Đặc biệt, Thầy đã hết lòng thương yêu, đùm bọc, truyền dạy tất cả những gì mà Thầy đã thụ giáo được của các bậc tâm sư tiền bối cho các đệ tử, Thầy không hề giấu nghề và sẵn lòng truyền dạy miễn phí cho các môn sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả các “bảo bối”, sách sử quí giá về võ học Thầy cũng sẵn lòng hiến tặng, truyền bá cho môn sinh, trong đó Thầy đã hiến tặng cho nhà nghiên cứu võ học Phạm Đình Phong nhiều sử liệu có giá trị của Tổ tiên viết bằng chữ Hán – Nôm, để đưa vào sách “Lịch sử Võ học VN”, công trình “Nghiên cứu Nguồn gốc – Đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định”, nhằm tôn vinh, tự hào dân tộc và truyền lại cho thế hệ mai sau khỏi mất gốc.
Lão Võ sư Phan Thọ
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay Thầy đã đào tạo, truyền dạy hàng ngàn môn sinh, trong đó có trên 100 võ sư, HLV võ dân tộc và hầu hết đã thành danh, góp phần kế tục sự nghiệp của Thầy và vun đắp cho truyền thống võ Bình Định ngày thêm tươi đẹp. Đặc biệt, dòng họ Phan của Thầy là một trong những dòng họ có truyền thống võ học lâu đời, được truyền nối qua nhiều thế hệ như thể dòng sông Côn huyền thoại luôn sản sinh ra lớp lớp anh tài võ học của quê hương Miền đất võ không bao giờ vơi cạn. Cụ thể: Từ ông Tổ là đại danh sư Phan Duy Từ, truyền thừa lại cho các con, cháu Phan Kế Cửu, Phan Kỳ Nguyên rồi đến Phan Thọ là những trụ cột của dòng họ. Về sau còn đào tạo được nhiều võ sư, tiêu biểu: Phan Thanh Sơn, Phan Hữu Đức (con Thầy Phan Thọ), Lê Công Hoàng, Lê văn Pháp, Đỗ Hược, Trần Tám Đỡ… và các thế hệ con, cháu họ Phan, đã góp phần làm rạng danh tông môn và đóng góp vào sự nghiệp võ học của quê hương Bình Định.
Xin kính cẩn tiễn biệt Thầy với lòng tiếc thương vô hạn, cầu nguyện hương linh Thầy sớm về cõi vĩnh hằng và Tổ nghiệp.
PHẠM ĐÌNH PHONG