Tri ân và tôn vinh nghệ nhân
Sáng 28.4, đại diện lãnh đạo Hội VH-NT tỉnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam tại Bình Định, đồng thời là đại diện cho Hội VNDG Việt Nam, đã đến tận nhà nghệ nhân Phan Chí Thành ở làng Trà Hương, thôn Đại Khoang, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát để trao Bằng chứng nhận Nghệ nhân Dân gian Việt Nam và Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho nghệ nhân này.
Tại địa phương, UBND xã Cát Lâm cũng tổ chức một buổi lễ trang trọng và ấm cúng nhân sự kiện một nghệ nhân của quê hương họ được tôn vinh.
Phát biểu tại buổi lễ, người nghệ nhân dân tộc Bana đã 87 tuổi ấy không khỏi xúc động. Ông không thể ngờ, tiếng đàn của mình vang lên ở một làng Bana nhỏ bé, xa xôi lại có thể lan xa đến tận “trung ương”. Ông càng bất ngờ khi nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân thông tin, rằng đến nay cả nước mới chỉ có 180 người được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Dân gian Việt Nam và ông là 1 trong 7 nghệ nhân của Bình Định nhận danh hiệu này. Bên cạnh đó, như ông tâm sự, ông bất ngờ vì: “Tưởng các anh sẽ gửi bằng khen, gửi quà về địa phương cho gọn, không ngờ lại cất công về tận đây. Không chỉ 1 mà 2 lần, 1 lần đến thông báo được phong tặng danh hiệu và lần này đến trao danh hiệu, lại có hoa và rượu nữa!”. Trong niềm tự hào và xúc động, điều mà nghệ nhân Phan Chí Thành nghĩ ngay đến là trách nhiệm của mình. “Từ đây trở đi, tôi cần làm gì để xứng đáng hơn nữa với đóng góp đã được ghi nhận, tôn vinh?” - Câu hỏi của người nghệ nhân cao niên khiến tất cả chúng tôi đều bất ngờ. Đáp lại thiện chí ấy của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân vỗ vai cười khích lệ: “Những gì anh đã làm, đang làm cho địa phương, cho đồng bào Bana ở Đại Khoang này là quý rồi. Nhờ anh tranh thủ thời gian, khi sức khỏe còn tốt, trí lực còn minh mẫn, nỗ lực truyền dạy việc chế tác và biểu diễn nhạc cụ thêm cho lớp trẻ địa phương, để mai một đi, tiếc lắm!”. Nghệ nhân Phan Chí Thành gật đầu, như thay cho lời hứa.
Như đã thông tin, nghệ nhân Phan Chí Thành được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam vì tài năng và những đóng góp của ông trong lĩnh vực thực hành và truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân Phan Chí Thành am hiểu, có khả năng chế tác và thực hành, biểu diễn 15 loại nhạc cụ truyền thống của người Bana. Đó là các nhạc cụ: cổ vũ, bờ lâng bâng, bờ lơn khơn, hơ đâng, sáo, trờ triếp, ta lum, pơ lơn, cồng, chiêng, phù hồ, tơ nút… Bên cạnh đó, ông còn rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ do địa phương tổ chức; đặc biệt, tâm huyết và có đóng góp đáng kể cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana ở Phù Cát. Nhiều thanh thiếu niên ở làng Trà Hương được nghệ nhân Phan Chí Thành truyền nghề, như: Đinh Văn Núi, Đinh Xuân Nhứt, Trần Văn Dũng, Đinh Nông, Đinh Văn Toại, Đinh Văn Toàn, Đinh Văn Phênh, Đinh Văn Boi…
Tại căn nhà nhỏ, đơn sơ của gia đình nghệ nhân Phan Chí Thành ở làng Trà Hương, ông “đãi” khách một “bữa tiệc” độc tấu nhạc cụ thịnh soạn. Từ tơ-rưng cho đến pơ-lơn-khơn, pơ-ró, hơ-nhí…, và tất nhiên không thể thiếu cổ vũ - một nhạc cụ độc đáo mà hầu như cả tỉnh mới chỉ thấy mình ông biết chơi. Trước đó, vừa vào đến sân nhà ông, đập ngay vào mắt chúng tôi là các loại đàn treo lủng lẳng dưới gốc cây sanh rợp mát. Gần đó là một chiếc võng vải. Đúng là không gian sống của nghệ nhân dân gian. Đây là “sân khấu tại gia” ông tự tạo cho mình và ông là nghệ sĩ, có thể chơi đàn bất kỳ lúc nào tùy thích.
Nhìn nghệ nhân Phan Chí Thành say sưa thả hồn theo những âm thanh trầm bổng của đàn, tôi tự hỏi: nếu Bằng chứng nhận Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng như 1,2 triệu tiền thưởng được gửi về Trà Hương - Đại Khoang - Cát Lâm cho ông theo đường bưu điện “cho gọn” như ông từng nghĩ, liệu gương mặt ông có nét hạnh phúc thanh thoát đến thế không!
KHẢI THƯ
Tôi được biết đến nghệ nhân khi đọc bài báo "Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 7: Còn ai nhớ tiếng đàn Bơ-răng, Bơ-ró ?" trên báo Thanh niên. Tôi thực sự xúc động và có những trăn trở, nỗi buồn trước những thay đổi và đôi khi là sự mất đi của những yếu tố trong văn hóa truyền thống. Hôm nay, đọc được tin này tôi rất vui và mong rằng sẽ có những hỗ trợ về mặt kinh tế cũng như tạo điều kiện để nghệ nhân có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác bảo tồn văn hóa (Mong nghệ nhân sẽ không cô đơn trên hành trình văn hóa) . Kính chúc nghệ nhân nhiều sức khỏe!