Cần xử lý kiên quyết việc xâm hại đê Đông
Tình trạng một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê Đông (gọi tắt là hệ thống đê Đông) diễn ra đã nhiều năm. Đáng lo là đến nay, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa tìm ra biện pháp giải quyết hiện tượng trên một cách căn cơ, bền vững. Điều này khiến những vụ xâm hại đê Đông gần đây trở nên ngang nhiên, đầy thách thức.
Xâm hại thân đê
Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4.2014, dư luận tại xã Phước Thắng (Tuy Phước) và Cát Chánh (Phù Cát) râm ran bàn tán việc các ông, bà: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Bích Hoa (đồng trú xã Phước Thắng) ngang nhiên lấn chiếm 175 m2 đất, đổ đất đắp nền, xây dựng nhà trái phép trên hệ thống đê Đông - đoạn qua địa phận thôn An Lợi (xã Phước Thắng). Trong đó, ông Hùng, bà Hoa mỗi người lấn chiếm 50 m2 đất, đắp nền, đổ móng và chuẩn bị xây dựng nhà; bà Phúc lấn chiếm 75 m2 đất và đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố. Việc làm sai trái của những người trên không được chính quyền và cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.
Theo ông Phạm Hồng Sang - cán bộ quản lý hệ thống đê Đông trên địa bàn xã Cát Chánh: Tuyến đê nằm trên địa bàn thôn An Lợi do xã Cát Chánh quản lý có chiều dài hơn 1 km; từ những năm 2000, có khoảng 20 hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố trên đê và hình thành khu dân cư tại khu vực này. Đến cuối tháng 3.2014, trên tuyến đê này có thêm 3 hộ thực hiện hành vi bơm cát làm nền, lấn chiếm đê để đổ móng, xây dựng công trình nhà ở.
“Đơn vị quản lý đê là xã Cát Chánh (Phù Cát), trong khi tuyến đê nằm trên địa phận xã Phước Thắng (Tuy Phước) nên việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng công trình nhà ở trái phép trên thân đê gặp không ít khó khăn. Nhiều người đã bất chấp biên bản đình chỉ thi công, tiếp tục xây dựng công trình nhưng vì địa phương xử lý không đến nơi đến chốn nên tạo tiền lệ cho người khác vi phạm. Không những vậy, địa phương nơi có tuyến đê đi qua cũng không thường xuyên kiểm tra để kịp thời phối hợp với chúng tôi xử lý nên hiện tượng nhà mọc trái phép trên thân đê vẫn diễn ra”, ông Sang cho biết thêm.
Cần kiên quyết xử lý
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi - Đê điều (TLĐĐ) và Phòng chống lụt bão (PCLB) - thuộc Sở NN-PTNT: Trên các tuyến đê thuộc hệ thống đê Đông thuộc địa phận xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước); Cát Chánh (Phù Cát); phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn)…hiện có hơn 1.700 ngôi nhà xây dựng trái phép.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục TLĐĐ và PCLB, thừa nhận: Nhiều trường hợp xây dựng công trình nhà ở trên hệ thống đê Đông xảy ra và tồn tại từ trước khi Luật Đê điều năm 2006 có hiệu lực thi hành nên việc xử lý còn lúng túng. Riêng 3 trường hợp mới xây dựng công trình nhà ở trái phép tại thôn An Lợi, Chi cục TLĐĐ và PCLB đã hoàn tất các thủ tục báo cáo sự việc cho Sở NN-PTNT. Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Phước Thắng buộc các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản đề nghị chính quyền các xã, phường có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để ngay từ đầu các trường hợp vi phạm, không để phát sinh mới”.
Để đảm bảo hệ thống đê Đông không bị xâm phạm, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa chính quyền các địa phương và ngành chức năng. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết buộc các trường hợp vi phạm phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép nhằm răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu.
Đê Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh, có tổng chiều dài 47 km, chạy dài từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước và Phù Cát; có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho 5.400 ha đất canh tác phục vụ đời sống của trên 200 ngàn cư dân ven đê.
VĂN LỰC - XUÂN THỨC