Soi nhái
Tháng Tư (âm lịch), đồng ruộng được cày phơi ải. Đám ruộng nào khi thu hoạch xong đất còn ướt phải cày ngay. Những tảng đất màu mỡ lật lên cuồn cuộn dưới lưỡi cày sát bóng loáng. Còn ruộng không kịp cày thì đất vẫn được phơi khô khốc dưới cái nắng gay gắt. Đất nghỉ.
Cả cánh đồng mênh mông mùa ải là niềm vui cho lũ chăn bò chúng tôi, vì mỗi buổi cứ lùa bò ra đồng là xong. Lũ bò tha hồ gặm theo những bờ cỏ, không sợ ăn lúa nhà ai. Thế nhưng thời gian nhàn nhã ấy không lâu khi cánh đồng được đưa nước về để nông dân làm vụ mới. Tuy mất cái thú vui đi tát đìa bắt cá, bắn chim khi lũ bò đi rông khắp cánh đồng, nhưng lũ trẻ đồng quê chúng tôi có “trò chơi” mới là soi nhái. Tất nhiên, đó là cái thú vui trên đồng ruộng vào ban đêm.
Bạn đã từng vai mang ống trúm hoặc chiếc đụt, tay cầm đuốc soi nhái chưa? Lâu nay, người ta thường nói chuyện soi cá, soi ếch chứ ít nghe nói soi nhái. Khi những thửa ruộng sau thời gian dài phơi ải được nước sông đưa về tràn ngập những luống đất cày cũng là lúc những cư dân đồng ruộng như cua, ếch, nhái, thậm chí những chú lươn lâu nay ẩn mình trong đất có dịp ngoi lên… Khúc nhạc đồng quê của lũ ếch nhái vang lên khi đêm xuống càng thúc giục lũ trẻ chúng tôi đốt đuốc, cùng nhau ra đồng.
Cây đuốc soi nhái chỉ đơn giản là ống tre đọt (chừng vài lóng), được thông mắt tre để đựng dầu lửa nhiều hơn, tim đuốc là nùi vải quấn chặt. Đồ đựng nhái là chiếc đụt nan tre hoặc ống trúm (có toi để nhái khỏi nhảy ra), tốt nhứt khi đi soi nhái phải 2 người, người giữ đụt, người soi chụp bắt. Thường lúc nước vào đồng cày bừa rộn rã làm đất, những thửa ruộng làm đất xong chuẩn bị xuống mạ ban đêm lũ nhái thường lên bờ. Người soi nhái chỉ cầm đuốc đi theo các bờ ruộng tay soi tay bắt. Thường chỉ bắt những con nhái lớn hoặc cỡ trung, con to lắm cũng chỉ bằng ngón tay cái. Mỗi lần soi chừng tiếng đồng hồ cũng được vài ký nhái (tùy theo vùng ruộng). Nhái soi được đem về đổ vào đụt (ống trúm) một ít tro bếp làm cho chúng cay mắt khỏi nhảy loi choi, rồi chặt đầu, lột da, làm ruột. Làm nhái tỉ mỉ chứ không nhanh như làm ếch (vì con nhái nhỏ hơn), làm xong ta được những chú nhái trắng phau. Thịt nhái không quý bằng thịt ếch nhưng ai đã một lần thử món nhái xào, nhái làm chả ram, kể cả nhái nấu canh rau muống thì có lẽ khó quên được nón ăn đồng quê này.
Mùa soi nhái ở quê tôi chỉ khoảng mươi hôm khi đồng ruộng được làm đất cho mùa mới nhưng là những đêm vui đồng quê khó quên. Tôi nhớ khi đêm xuống trên cánh đồng có hàng mấy chục ngọn đuốc soi nhái như hoa đăng, tiếng gọi nhau í ới… Có hôm soi trúng mánh, nhái nhiều, mấy anh em tôi thức tới khuya để làm nhái và hôm sau có món chả ram thịt nhái do mẹ tôi làm…
Ngày nay, do sử dụng nhiều hóa chất để diệt sâu, diệt cỏ tăng năng suất lúa; con cua, con nhái còn rất ít, mùa nước về không còn ai soi nhái nữa, nhưng những ánh đuốc ngày ấy vẫn còn nhảy nhót trong tôi như hoài niệm về tuổi thơ với ruộng đồng sông bãi.
KHOA VĂN