Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN, với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người; giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội: “không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không hề nóng vội, mà bằng cái nhìn lịch sử cụ thể, Người nhận thấy điều kiện, đặc điểm KT-XH nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, có xuất phát điểm thấp, chưa kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, do đó, Người xác định mục tiêu ban đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là: “Làm sao cho người nghèo đủ ăn. Người giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Người còn nói: “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”; và: “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH”. Cụ thể hơn, Hồ Chí Minh cho rằng, CNXH phải: “Có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”; về chính trị xã hội, xã hội XHCN là do Nhân dân làm chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở mọi người dân, tất cả cán bộ, công chức nhà nước đều là công bộc của dân.
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, con đường đi lên CNXH hoàn toàn không bằng phẳng mà có vô vàn khó khăn, phức tạp, phải vượt qua - Người nhận định: “Xây dựng CNXH là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”; “ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại” bởi: “thắng đế quốc, phong kiến là không dễ; thắng bần cùng, lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều”.
Theo Hồ Chí Minh, thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam phải trải qua nhiều bước, “bước ngắn, bước dài tùy theo hoàn cảnh”; nhưng “chớ ham làm mau, ham rầm rộ. Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần”. Người căn dặn phải nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo không giáo điều dập khuôn kinh nghiệm nước ngoài: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác…Ta có thể đi con đường khác để tiến lên CNXH”.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH, đã có nhiều học giả, chính khách trên thế giới bình luận, đánh giá khách quan về ý nghĩa và giá trị hiện thực. Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga V.M Xônxép cho rằng: “Trong thế giới đầy năng động của chúng ta ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao…Khái niệm của chúng ta về CNXH, về các con đường và phương pháp xây dựng CNXH cũng thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều không hề thay đổi. Đó là lý tưởng XHCN, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân loại tiến bộ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, từ một nước đói nghèo, Việt Nam trở thành một nước phát triển trung bình, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới là: “hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử”. Thắng lợi đó, bắt nguồn từ sự kiên định mục tiêu “Độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn”.
TRUNG NGÔN