Chi tiêu quân sự thế giới sụt giảm lần đầu tiên kể từ 1998
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) hôm 15.4 công bố báo cáo cho thấy, trong năm 2012, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, chi tiêu quân sự toàn cầu sụt giảm do chính sách cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc ngày càng chi mạnh cho quân sự
Các nước lớn như Mỹ và đồng minh ở châu Âu đối mặt với vấn đề ngân sách hạn hẹp do khủng hoảng kinh tế và rút dần vai trò trong các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan; tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc lại tăng cường chi tiêu, với mức tăng trưởng trong năm 2012 là 7,8% so với năm trước đó và tăng 175% so với năm 2003.
Theo báo cáo của SIPRI, năm 2012 là lần đầu tiên chi phí quân sự nói chung giảm 0,5%, xuống còn 1,75 nghìn tỉ USD, kể từ năm 1998 và đây có thể được xem là sự khởi đầu cho việc dịch chuyển cán cân về chi phí quân sự từ các nước phương Tây giàu có sang các khu vực đang nổi.
Chi tiêu quân sự của Mỹ, nước chi cho quân sự lớn nhất thế giới với ngân sách gấp 5 lần Trung Quốc, sụt giảm 6% và lần đầu tiên ở dưới tỉ lệ 40% trong tổng số chi tiêu quân sự toàn cầu kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây hơn 20 năm.
Cách đây hơn 1 năm, Mỹ đã rút quân khỏi Iraq và đang hạn chế vai trò tại Afghanistan theo kế hoạch rút quân khỏi đây vào cuối năm 2014. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách cắt giảm hàng trăm tỉ USD chi phí. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel còn cảnh báo quân đội Mỹ chuẩn bị đối mặt với các biện pháp thắt chặt chi tiêu mới.
Trong khi đó, tại châu Âu, các biện pháp thắt lưng buộc bụng do khủng hoảng tài chính từ năm 2008 gây ra đã buộc các thành viên NATO cắt giảm 10% chi tiêu.
Theo giám đốc chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, Sam Perlo-Freeman, “nhiều khả năng chi tiêu quân sự trên thế giới sẽ tiếp tục giảm trong 2-3 năm tới, ít nhất cho đến khi NATO hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng tại các khu vực đang nổi có lẽ sẽ tăng lên.”
Chi tiêu quân sự toàn cầu giảm mạnh sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng lại tăng nhanh sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ hôm 11.9.2001.
Trong khi Mỹ và các đồng minh vẫn chiếm phần lớn chi tiêu quân sự toàn cầu, trong đó các nước NATO chi hơn 1 nghìn tỉ USD trong năm 2012, thì những khu vực như châu Á và đông Âu cũng chi mạnh cho lĩnh vực quân sự. Chi tiêu quân sự của Nga năm 2012 tăng 16%. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy tổng thống Nga Vladimir Putin nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang và cải tiến hệ thống vũ khí, sau khi trở lại cương vị này vào tháng 5.
Đối với Trung Quốc, nước này đầu tư mạnh cho các tàu ngầm mới, tên lửa, máy bay tàng hình và tàu sân bay.
Mặc dù Bắc Kinh liên tục nói rằng thế giới không có gì phải lo ngại về việc nước này tăng chi phí quân sự, nhưng Tokyo và Mumbai đều tỏ thái độ quan ngại về năng lực và những dấu hiệu gây hấn ngày càng rõ của quân đội Trung Quốc.
Trong 6 tháng qua, Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu quanh tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo trên biển Hoa Đông. Cùng lúc đó, Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, nơi được xem có trữ lượng dầu khí dồi dào.
Hiện Trung Quốc đã thay thế Anh, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới trong số 5 nước buôn bán vũ khí hàng đầu thế giới từ năm 2008-2012. Pakistan vẫn là đối tác chính của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Chi tiêu quân sự tại Trung Đông và Bắc Phi tăng khoảng 8%, trong đó các đồng minh của phương Tây ở Trung Đông như Arab Xê-út và Oman tăng cường chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với Iran. Tại Bắc Phi, các nước như Algeria mạnh tay chi cho quân sự do mối đe dọa từ các phiến quân.
Lê Quảng (theo Reuters)