Tuy Phước: Bán thuốc như bán rau, bán cá tại các chợ
Hiện nay, tại huyện Tuy Phước tình trạng người dân có thể mua, sử dụng thuốc tây thoải mái tại các chợ nông thôn diễn ra khá phổ biến. Hầu hết những người bán thuốc tây ở chợ đều không được cấp giấy phép kinh doanh, hành nghề khám, chữa bệnh… Dù vậy, ngành chức năng vẫn chưa ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thuốc tây là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người nên chỉ được bán ở những hiệu thuốc được ngành chức năng cấp giấy phép hành nghề. Để được mở cửa hàng bán thuốc, chủ nhà thuốc phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục, các điều kiện nghiêm ngặt, theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, tại các chợ của huyện Tuy Phước, thuốc tây bán lẻ được bày tràn lan trên chiếc bàn gỗ, tủ gỗ, thùng nhôm, khay nhựa. Đặc điểm chung của những “tiệm thuốc mini” này là nằm ven lối ra vào chợ, xen kẽ với những hàng cá, thịt, rau, quần áo và đặc biệt là người bán thuốc hội đủ “nhiều không”: Không có giấy phép kinh doanh; không có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, không có bằng cấp, không niêm yết giá, không bán theo toa thuốc của bác sĩ mà chỉ dựa vào… kinh nghiệm (!)
Theo quy định, nơi bán thuốc phải có diện tích mặt bằng tối thiểu là 10m2; địa điểm riêng biệt, ổn định, sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu về mua - bán, bảo quản và đảm bảo chất lượng thuốc. Bên cạnh đó, quầy thuốc phải có đủ tủ, quầy chắc chắn, khay đếm thuốc, túi đựng thuốc và trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc được bán; thuốc phải được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời,…
Đóng vai người bị đau bụng kèm theo triệu chứng đau đầu, tôi đến một “tiệm thuốc” tại chợ Huyện (thuộc thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) để mua thuốc uống. Sau khi nghe tôi trình bày bệnh tình, người bán thuốc thoăn thoắt lấy ra 2 vỉ thuốc gồm: Cotrisepton, Paracetamol với giá 7.000 đồng/vỉ kèm theo lời dặn: “Uống chia làm hai lần trong ngày” mà không hỏi cụ thể xem tôi bị đau bụng lâu chưa, đau như thế nào, vị trí đau ở đâu. Ngoài tôi ra, một số người đi chợ cũng ghé sang “tiệm thuốc” này để mua những loại thuốc chữa bệnh cảm sốt, đau đầu, tim mạch, huyết áp… cho người nhà đang mắc bệnh, như mua con cá, mớ rau (!)
Không chỉ riêng chợ Huyện mà tại chợ Mới (ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp),… cũng có tình trạng tương tự. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết những người bán thuốc ngoài chợ chủ yếu là những người được tập huấn qua các lớp nghiệp vụ ngắn hạn nhưng không đủ tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; bán thuốc theo kinh nghiệm.
Khi hỏi người mua thuốc tại sao không đến Trạm Y tế của xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để được chẩn đoán, chữa trị bệnh đảm bảo hơn, thì nhiều người cho rằng: Mua thuốc ngoài chợ vừa rẻ, vừa tiện lợi, lại ít mất thời gian hơn so với việc đến các cơ sở y tế.
Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn trên, bà Cao Hoàng Mộng Tiên - Trưởng phòng Y tế huyện Tuy Phước, thừa nhận: Tình trạng bán thuốc tây tại các chợ vẫn còn diễn ra mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã nhiều lần tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và cũng đã nhiều lần lập đoàn thanh tra. Tuy nhiên, việc xử phạt còn gặp nhiều khó khăn, người bán thuốc tại các chợ nhanh chóng thu dọn, nghỉ bán khi thấy bóng dáng lực lượng thanh tra; đoàn kiểm tra đi khỏi thì họ lại tiếp tục bày bán.
“Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các chợ có tình trạng bày bán thuốc tây trôi nổi. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, người dân cũng nên tránh việc sử dụng thuốc tây tùy tiện để chữa bệnh và khi mua thuốc, cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyện khoa”, bà Tiên cho biết thêm.
Mua, sử dụng thuốc tây như kể trên, người ta không lường hết những nguy cơ ngộ độc, dị ứng, kháng thuốc, lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” và về lâu dài, sẽ để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo khoản 5, điều 28 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: hành nghề khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu;…
PHÚC LỘC