Phòng bệnh viêm nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là bệnh viêm màng trong tim do vi khuẩn gây ra, có 2 thể chủ yếu. Viêm nội tâm mạc chậm (còn gọi là bệnh Jaccoud Osler) tiến triển bán cấp ở người có sẵn bệnh tim từ trước, thường là bệnh van tim do thấp tim. Viêm nội tâm mạc ác tính cấp tiến triển nhanh hơn, thường xuất hiện trên cơ địa tim lành; đặc điểm lâm sàng nặng nề, gây tử vong nhanh, thường xảy ra trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết.
Bệnh thường gặp ở người trẻ, nam giới. Bệnh hay xuất hiện ở những người đã có tổn thương van tim từ trước, như hở van động mạch chủ, hở van hai lá do thấp tim. Có thể gặp ở người bị bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, còn ống động mạch, van tim nhân tạo hoặc sau một phẫu thuật tim.
Bệnh thường xảy ra sau một nhiễm trùng. Đường vào chủ yếu là viêm họng, viêm tai xương chũm, viêm xoang, áp-xe răng do nhổ răng, nhiễm trùng ngoài da; nhiễm trùng đường sinh dục; bệnh đường tiêu hóa như áp-xe gan mật, viêm phúc mạc hoặc đơn giản sau thủ thuật hoặc tiêm truyền không vô khuẩn.
Dấu hiệu điển hình của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là sốt kéo dài. Một số triệu chứng không đặc hiệu có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác như ăn không ngon, giảm cân, đau đầu, đau khớp, khó thở, tai biến mạch máu não. Những dấu hiệu xác định viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là siêu âm tim thấy mảng sùi và cấy máu có vi khuẩn.
Nếu không điều trị, hầu hết các bệnh nhân đều tử vong. Dù có được điều trị thì các biến chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn vẫn rất nặng nề như hở van tim nặng, áp-xe vòng van tim, áp-xe cơ tim, suy tim cấp hoặc mạn tính... Những mảnh sùi của van tim có thể bị bong ra, di chuyển theo dòng máu khắp cơ thể dẫn tới tắc mạch não, phổi, thận…
Trong trường hợp điều trị nội khoa, bệnh nhân được điều trị kháng sinh dựa vào tần suất vi khuẩn học gây bệnh và kháng sinh đồ. Ngoài ra cần điều trị đường vào và các biến chứng của bệnh. Sau khi bệnh ổn định ra viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi định kỳ hằng tháng, xét chỉ định sửa van tim hoặc thay van tim nhân tạo sau 6 tháng.
Với điều trị ngoại khoa, phẫu thuật thay van tim nhân tạo ở bệnh nhân đang điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn được chỉ định trong các trường hợp: suy tim cấp, suy tim tiến triển không đáp ứng với điều trị, nhiễm khuẩn huyết dai dẳng. Đây là cách điều trị hữu hiệu hơn cả.
Cần phải thăm khám hệ thống răng miệng, tai mũi họng cho bệnh nhân có bệnh van tim nhất là van tim nhân tạo. Tiệt khuẩn triệt để các dụng cụ phẫu thuật. Sử dụng kháng sinh dự phòng thích hợp cho những bệnh nhân có bệnh ở van tim, bệnh tim bẩm sinh, van tim nhân tạo 30-60 phút trước khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập.
BS NGUYỄN THANH ĐỊNH