Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn:
Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt
Giữa tháng 3.2014, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, lập hồ sơ 15 di tích quốc gia đặc biệt (DTĐB). Trong đó, có Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn ở Bình Định đã đáp ứng điều kiện “cần” về tiêu chí xếp hạng DTĐB: “Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc, hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc”.
Di tích sẽ được bảo tồn tốt hơn
Trong sách Bình Định danh thắng và di tích (do Sở KHCN và Sở VH-TT&DL phối hợp biên soạn và xuất bản năm 2000), đã giới thiệu 12 địa điểm di tích gắn với phong trào nông dân Tây Sơn ở huyện Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn và TP Quy Nhơn. Hiện nhiều di tích trong số này đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tuy nhiên, ngoài một số di tích trọng điểm đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị, thì còn nhiều di tích vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, việc lập hồ sơ Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn đề nghị xếp hạng DTĐB được nhiều người hi vọng sẽ “đánh động” sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với từng di tích cụ thể. Ông Nguyễn Công Lý, cán bộ văn hóa phường Nhơn Thành (An Nhơn), cho biết: “Di tích Phủ Thành Quy Nhơn ở thôn Châu Thành, phường Nhơn Thành gắn liền với chiến công lớn đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn từ khi phát động cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, hiện khu đất xung quanh điểm đặt bia di tích cấp tỉnh quá thấp nên thường bị ngập nước… Vấn đề này địa phương đã biết nhưng chưa khắc phục được vì không có kinh phí. Mong rằng việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng DTĐB sẽ có tác động tích cực đến việc tôn tạo các di tích Tây Sơn ở địa phương chúng tôi và các nơi khác trong tỉnh…”.
Cần có những “điểm nhấn”
Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng DTĐB có yêu cầu rất cao khi lập lý lịch di tích về tên gọi, địa điểm và đường đi đến di tích, phân loại di tích; sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích; sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích; các giá trị và thực trạng bảo vệ, phát huy và các phương hướng giải quyết; bản đồ, bản vẽ, biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích …
Khi đặt ra việc xếp hạng DTĐB cho cả một “quần thể di tích” phong trào nông dân Tây Sơn thì việc lập hồ sơ khoa học cho đầy đủ các di tích là rất khó và tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Vì vậy, cần chọn ra những di tích tiêu biểu làm “điểm nhấn” khi xây dựng hồ sơ DTĐB. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho rằng: “Phần lớn các điểm di tích gắn với phong trào Tây Sơn trên địa bàn tỉnh phần lớn đều ở dạng phế tích rất khó cho việc định hướng trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ di tích. Khi lập hồ sơ DTĐB nên tập trung trọng điểm vào những di tích quan trọng nhất như Thành Hoàng Đế, Điện thờ Tây Sơn tam kiệt gắn với Bảo tàng Quang Trung… đã nhận được nhiều sự quan tâm khai quật khảo cổ học để nghiên cứu trong những năm qua, cũng như có những dự án trùng tu, tôn tạo di tích đã và sẽ được triển khai”.
Căn cứ theo ý kiến thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL cùng chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 6.5 vừa qua, Sở VH-TT&DL đã có quyết định thành lập Ban biên soạn hồ sơ đề nghị xếp hạng DTĐB cho Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn. Ban biên soạn do Giám đốc Sở VH-TT&DL làm Trưởng ban, hai Phó trưởng ban là các Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh và Bảo tàng Quang Trung, các thành viên là lãnh đạo, cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp và các phòng, ban liên quan. Ban biên soạn có trách nhiệm nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ DTĐB báo cáo UBND tỉnh để trình Bộ VH-TT&DL trước ngày 30.6.2014. Được biết, Sở VH-TT&DL đang mời thêm các chuyên gia ở nơi khác có nhiều kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ DTĐB cùng tham gia hỗ trợ cho Ban biên soạn triển khai công việc “đúng hướng” tôn vinh di tích phong trào nông dân Tây Sơn lên tầm “đặc biệt” của quốc gia.
Từ năm 2009 - 2013, đã có 4 đợt xếp hạng với tổng cộng 48 DTĐB tại nhiều địa phương trong nước. Trong đó, có 24 di tích lịch sử đơn thuần, còn lại là di tích danh lam thắng cảnh, hay kết hợp nhiều loại hình như di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ; di tích lịch sử và khảo cổ; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
HOÀI THU