Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030:
Hướng đến hiện đại, chuyên nghiệp, vì dân phục vụ
Với những thay đổi so với giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình CCHC 2021 - 2030) tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số.
Dồn sức cải cách thể chế
Chính phủ nhấn mạnh, trọng tâm CCHC 10 năm tới là cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều nội dung liên quan đến các luật khác (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.V.T
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba, việc tiếp tục xác định cải cách thể chế là nội dung đầu tiên trong định hướng CCHC giai đoạn 2021 - 2030 là đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn. Để cải cách thể chế đạt mục tiêu đề ra, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải đầu tư tương xứng cả về con người và điều kiện bảo đảm; cần coi đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư phát triển. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần nhận thức đầy đủ nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật, từ đó đề ra và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng công tác này.
“Cần bám sát thực tiễn, thường xuyên rà soát để phát hiện, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Công tác xây dựng thể chế phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước”, ông Ba phân tích.
Hiện đại, minh bạch
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, điểm đáng chú ý trong Chương trình CCHC 2021 - 2030 là vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền được quan tâm trên nhiều lĩnh vực: Giải quyết TTHC, quản lý nhà nước, công tác cán bộ... Thêm nữa, cả 6 nội dung của Chương trình đều gắn chặt với vấn đề chuyển đổi số.
“Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mô hình chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số góp phần đổi mới một cách căn bản, thực chất phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là vấn đề mang tính “cấp bách, hàng đầu” trong tình hình mới. Chỉ có hiện đại hóa chính mình, cơ quan hành chính nhà nước các cấp mới đáp ứng năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, góp phần mang lại sự hài lòng cao tổ chức, DN và người dân”, ông An nhìn nhận.
Vẫn còn thách thức
Có thể thấy, vẫn còn không ít trở ngại, thách thức để thực hiện thành công một số chỉ tiêu, nhiệm vụ từ Chương trình CCHC 2021 - 2030. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhiệm vụ đề ra là đến năm 2030 tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ. Về cải cách chế độ công vụ, đến năm 2030, 25 - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh một số điểm mới về xác định nội dung trọng tâm, về cơ bản, Chương trình CCHC 2021 - 2030 vẫn có sự kế thừa từ Chương trình CCHC 2011 - 2020, nổi bật là xuyên suốt quan điểm lấy người dân, DN làm trung tâm của sự phục vụ. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho rằng, quan điểm này thể hiện rõ nhất qua các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trong nội dung cải cách TTHC.
Theo đó, cần cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, DN; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, DN có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Ông Long nhận định: “Kết quả công tác cải cách TTHC gắn với giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến khá rõ nét. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành như vừa qua, chúng ta có quyền kỳ vọng cải cách TTHC của tỉnh tiếp tục có những bước chuyển mình thực sự trong thời gian tới”.
NGUYỄN VĂN TRANG