Góp sức bảo tồn nghệ thuật tuồng
Nhiều năm qua, biên đạo múa Hoàng Việt, nguyên cán bộ Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, đã âm thầm tự may các bộ trang phục, các loại mão của nghệ thuật hát tuồng để làm giàu cho bộ sưu tập của riêng mình. Còn anh Trần Ngọc Vân, một nhiếp ảnh gia tự do ở TP Quy Nhơn, tự học làm khuôn để chế tác các mặt nạ tuồng với mong muốn tạo ra sản phẩm lưu niệm giàu ý nghĩa với du khách khi đến Bình Định.
Hoàng Việt sinh trưởng tại đất tuồng Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), là con của cặp nghệ sĩ hát tuồng tài danh đất Bình Định: Cố NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu. Từ nhỏ, anh đã theo cha mẹ đi lưu diễn, rồi tham gia đoàn tuồng đồng ấu tại quê nhà. Nhưng rồi ngã rẽ cuộc đời đã đưa anh đến với nghệ thuật múa trong vai trò biên đạo.
Vốn là con nhà nòi, niềm đam mê hát tuồng vẫn tuôn chảy trong người, bởi vậy trong thời gian công tác tại Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, những khi rảnh rỗi, Hoàng Việt lại âm thầm tự may các bộ trang phục hát tuồng Bình Định. Đầu năm 2021, anh nghỉ hưu và dồn tâm sức may thêm các loại mão bổ sung vào bộ sưu tập trang phục hát tuồng của mình.
Tại nhà riêng, hằng ngày nghệ sĩ Hoàng Việt may thêm các loại mão bổ sung cho bộ sưu tập trang phục hát tuồng truyền thống Bình Định của mình. Ảnh: NVCC
Hoàng Việt tâm sự: “Tôi làm việc này để tưởng nhớ đến cha mẹ mình, những bậc tiền bối hát tuồng. Những bộ trang phục, mão tôi làm là theo hình ảnh sưu tầm được, tham vấn các nghệ nhân từng may trang phục hát tuồng ngày trước, rồi tôi cố gắng may lại theo đúng nguyên bản hát tuồng những năm 1930 để góp phần lưu giữ, bảo tồn trang phục nghệ thuật hát tuồng truyền thống của đất tuồng Bình Định”.
Sau 16 năm miệt mài sưu tầm, khảo cứu, thực hiện, Hoàng Việt đã sở hữu 20 bộ trang phục hát tuồng. Tất cả đều được anh tỉ mỉ thực hiện theo phương pháp thủ công trong từng mũi chỉ khâu đến những họa tiết, hoa văn trên quần áo. Hiện anh đang dành thời gian để may các loại mão hát tuồng, như: Mão cửu long, cửu phụng, bình thiên, thẻ ngang, văn đòn cân, võ đòn cân… phù hợp với từng nhân vật.
“Từ trang phục ta sẽ nhận diện được tuyến nhân vật với một số đặc điểm cơ bản, khán giả xem tuồng có thể chưa biết nhân vật đó là ai nhưng qua trang phục có thể áng chừng vị trí, đức tính, hành trạng… Cùng với trang phục còn có thêm một số phụ kiện khác như: Hia, râu, mặt nạ hóa trang cho nhiều loại vai diễn, nên còn sức thì tôi còn làm cho đến khi hoàn chỉnh bộ sưu tập thật chu đáo, chi tiết, bài bản. Tôi có một ước nguyện, sau này tôi sẽ hiến tặng tất cả bộ trang phục hát tuồng cho quê nhà An Nhơn và thành lập một bảo tàng nghệ thuật hát tuồng mang tên người cha quá cố của tôi - Bảo tàng hát tuồng Hoàng Chinh”, Hoàng Việt tâm sự.
Chung niềm đam mê như nghệ sĩ Hoàng Việt nhưng nhiếp ảnh gia Trần Ngọc Vân, ở TP Quy Nhơn lại ấp ủ ý tưởng làm mặt nạ hát tuồng từ 5 năm trước. Sau bao nhiêu lần thất bại, cuối cùng anh đã thành công lần lượt từng công đoạn một, từ cách làm phôi, tạo mẫu khuôn, cho đến công đoạn làm mặt nạ và hoàn chỉnh. Đến nay anh đã có thể làm được mặt nạ hát tuồng bằng nhiều loại chất liệu: Giấy bồi, nhựa mỏng, composite.
Anh Vân bộc bạch: “Một lần tôi vào TP Hồ Chí Minh, tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Bảy - một người quê gốc ở Hoài Ân vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán mặt nạ hát tuồng hơn 30 năm. Sau đó, tôi mua mấy cái mặt nạ của anh Bảy về để tìm hiểu, rồi lên mạng tìm tòi cách tạo khuôn để làm mặt nạ. Những chiếc mặt nạ tôi tự tay làm và kẻ vẽ màu sơn theo nguyên mẫu bộ sưu tập mặt nạ hát tuồng từ Bảo tàng Bình Định và những hình ảnh có được trong những năm tháng đi theo quay clip lưu diễn của các đoàn tuồng trong tỉnh”.
Anh Trần Ngọc Vân giới thiệu về các sản phẩm mặt nạ hát tuồng Bình Định do mình làm ra bước đầu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không những làm mặt nạ hát tuồng, anh Vân cũng lập kênh Youtube của mình và đưa hơn 200 clip giới thiệu về võ cổ truyền Bình Định, ẩm thực xứ Nẫu, cùng các trích đoạn hát tuồng, bài chòi Bình Định lên mạng để quảng bá; đến nay, kênh Youtube của anh đã thu hút gần 1.500 lượt đăng ký. Riêng việc chế tác các loại mặt nạ tuồng, anh Vân cho biết, để hoàn thiện sản phẩm đúng nguyên mẫu mặt nạ hát tuồng Bình Định, anh đã tham vấn với nghệ sĩ Hoàng Việt, cùng một số nghệ sĩ các đoàn tuồng trong tỉnh, giới họa sĩ trong tỉnh am hiểu về nghệ thuật truyền thống để từng bước hoàn thiện hơn.
Anh Vân chia sẻ: Tôi có ý tưởng sẽ nhờ một số nghệ sĩ tuồng trong tỉnh vẽ lại mặt nạ hóa trang một số vai diễn tâm đắc để dựng lên bộ sưu tập mặt nạ hóa trang vai diễn, vừa là lưu lại chính nét vẽ của các nghệ sĩ tuồng lừng danh quê nhà Bình Định. Tôi cũng dự định phối hợp với nhóm họa sĩ trẻ trong tỉnh, Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn tập cho các em vẽ mặt nạ tuồng trên các phôi mặt nạ của tôi, để sau này khi sản phẩm của tôi phục vụ được du khách sẽ tạo việc làm thêm cho các em, cũng như góp phần giữ gìn, quảng bá nghệ thuật hát tuồng Bình Định cho thế hệ trẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN