Nồng thắm Nguyễn Thị Phụng
Tập thơ “Mùa đông và em” của Nguyễn Thị Phụng vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 8.2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cái tựa đề “Mùa đông và em” gợi cho tôi một nỗi buồn nhiều hơn là vui!
Khác với những tập thơ trước, ở tập này Nguyễn Thị Phụng chắt chiu từ ngữ diễn đạt và cảm xúc được nén lại rồi đẩy lên ở mức độ cao hơn. Ví như “Mùa đông và em”: Sợi nắng dưỡng sinh quanh miền sa mạc/ Được thể/ gió rít từng cơn rét buốt da người/ bấc phùn khó nén/ phả theo ngày xám xịt sầu đông… Ngoài tầng nghĩa ban đầu, đoạn thơ mở ra một trường liên tưởng trên những tầng nghĩa khác. Thơ là như thế vì thơ không đa nghĩa thì thơ khó hay nhưng nhà thơ vẫn gói thông điệp của mình vào khổ cuối đầy chất hồn hậu: Mùa đông và em dậy thì/ ken nhau nhóm bếp lửa/ xuân nồng thắm đượm cả miền thương… Thì ra mùa đông chỉ là cái cớ mà tác giả mượn để bộc lộ tấm lòng xuân thì của mình luôn cháy bỏng.
Nhà thơ là người sáng tạo. Muốn sáng tạo thì phải luôn tự làm mới mình. Hiểu điều đó, Nguyễn Thị Phụng nỗ lực làm mới chính mình, đặc biệt thông qua cách mở ra những trường liên tưởng, dồn nén cảm xúc tạo thành những mã ngôn ngữ để bạn đọc giải mã qua cách cảm nhận của mình. Tôi thích cái lối diễn đạt này của chị: Nhập cửa Phật mà người còn phàm tục/ Tiếng chuông chùa mắc cạn chân không…
Nguyễn Thị Phụng còn làm mới thơ mình bằng hình ảnh trong thơ. Bài thơ “Gạo ơi” và “Hình hài của gió” nói lên điều đó rất rõ. Với “Gạo ơi” nhà thơ đã nhân hóa cây gạo thành nhân vật gần gũi với con người hơn. Nhưng cốt yếu nhà thơ xây dựng một hình ảnh con người cao tuổi “gánh cả chiều rơi” bi thương trong cuộc đời lắm tai họa do con người và thiên tai mang lại, thông qua hình ảnh cây gạo “dáng gầy” “bên góc đời” “tần ngần” “cháy đỏ” trần gian…
Cần mẫn như con ong, Nguyễn Thị Phụng sáng tác với niềm đam mê - mười ba năm, mười đầu sách (2 tiểu luận, 4 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 2 tản văn và 1 tạp văn) - nếu không đam mê sao chị có thể viết nhiều như thế được? Cứ nhìn vào tác phẩm, thời gian sáng tác và in ấn ra mắt bạn đọc ta sẽ hình dung khao khát viết, in sách để sẻ chia tác phẩm luôn thôi thúc Nguyễn Thị Phụng, đó cũng là động lực giúp chị vượt qua bệnh tật để tồn tại với cuộc sống này.
LÊ BÁ DUY