Chiêng và chuông
Ở nước ta, chiêng cùng với cồng là hai loại nhạc khí quan trọng của nhiều dân tộc thiểu số ở Nam Trường Sơn (trong đó có Bình Định). Bởi đó, không ít người nghĩ rằng, chiêng là từ có nguồn gốc từ tiếng đồng bào thiểu số. Thực ra, đây là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ chinh (bộ kim), nghĩa “cái chiêng”. Mối quan hệ ngữ âm giữa chinh ~ chiêng cũng giống như kính ~ kiếng, mình ~ miềng, [thưa] trình ~ chiềng [làng chiềng chạ]… Ngày xưa, chiêng, trống được dùng để gõ, đánh khi hành quân. Từ đó, cổ chinh (trống chiêng) được dùng để chỉ việc quân.
Chuông cũng là từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ chung (bộ kim), nghĩa “cái chuông”. Từ chung có nhiều nghĩa như: 1. Cái chén đựng rượu, nên mới có chung rượu; 2. Đơn vị đo dung lượng, 6 hộc 4 đấu là 1 chung. Thời cổ, quan lại nhận lương bằng chung thóc. Từ đó, vạn chung là cách nói hàm chỉ bổng lộc. Cho nên, trong bài “Côn Sơn ca”, cụ Nguyễn Ức Trai mới viết: “Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên”, ý nói bổng nhiều lộc hậu cũng chẳng để làm gì; 3. Hun đúc, như chung đúc; 4. Chuông nhỏ làm bằng đồng, dùng trong yến tiệc. Chuông khánh là cách nói chỉ cảnh giàu sang (khánh làm bằng ngọc). Ca dao có câu: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh mảnh chai bờ rào”; 5. Chuông chùa, thường gọi đại hồng chung (đại = hồng: lớn)… Về mặt âm, quan hệ -ung ~ -uông rất phổ biến. Trong chữ Nôm, nhiều chữ vần -uông mượn chữ vần -ung để biểu âm. Chẳng hạn, chữ tuồng mượn chữ tùng, xuồng mượn chữ trùng, xuống mượn chữ sủng.
Ở Bình Định, có một địa danh được gọi tên bằng chuông và chiêng. Đó là Hòn Chuông (hoặc Hòn Chung) thuộc dãy núi Bà ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát). Gọi là chuông vì đỉnh núi này có khối đá lớn giống cái chuông úp. Trên đỉnh khối đá có một ngọn tháp Chăm, người ta mượn tên núi để gọi tên tháp là tháp Hòn Chuông. Theo Quách Tấn trong “Nước non Bình Định”, núi này còn có tên Bô Chinh Đại Sơn (núi lớn Bô Chinh). Gọi Bô Chinh (chiêng trốn) là vì nhìn trên cao, núi như một cái chiêng khép nép (trốn) mà núm chiêng chính là hòn Chuông.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ