Luật thi đấu Việt Võ Ðài: Cần xem xét cẩn trọng trước khi áp dụng
Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam vừa ban hành Luật thi đấu Việt Võ Ðài, áp dụng cho các giải bán chuyên nghiệp tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Ðây được coi là hướng đi mang tính hội nhập của võ cổ truyền Việt Nam, nhưng vẫn có những ý kiến băn khoăn về chuyên môn.
Về cơ bản, phần lớn các quy định trong Luật thi đấu Việt Võ Đài liên quan đến trang phục thi đấu của võ sĩ, trang phục trọng tài - giám định, khẩu lệnh - thủ lệnh của trọng tài… đều tương tự như Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam mới được ban hành. Quy định tuổi VĐV thi đấu Việt Võ Đài là từ 18 - 39 tuổi; có 9 hạng cân nam: Nhỏ nhất là dưới hạng từ 46 - 49 kg, hạng nặng từ 81 - 91 kg; 8 hạng cân nữ tương ứng là 45 - 48 kg và 69 - 75 kg.
Ngoài một số đòn từ môn vật cổ điển, nhìn chung luật thi đấu Việt Võ Đài có nhiều nét tương đồng với luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam.
- Trong ảnh: Các VĐV thi đấu tại Giải vô địch võ cổ truyền Việt Nam năm 2020. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Tùy theo điều lệ từng giải, các VĐV nam có thể thi đấu 3 hiệp, mỗi hiệp từ 3 - 5 phút; VĐV nữ thi đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Đây là điểm khác biệt lớn yêu cầu các võ sĩ chuẩn bị về mặt thể lực và kỹ chiến thuật. Cũng tương tự như Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam, võ sĩ nào được chấm thắng 2 hiệp liên tiếp sẽ không cần thi đấu hiệp thứ 3. Sau mỗi hiệp đấu, 5 giám định sẽ tính tổng điểm và xác định người chiến thắng. Có thể thấy, cách tính điểm này của Việt Võ Đài có sự tương đồng với nội dung tán thủ (đối kháng wushu), yêu cầu các võ sĩ cần thi đấu tích cực và sử dụng chiến thuật phù hợp ngay từ đầu.
Từng tập luyện, thi đấu và giành HCV tán thủ môn wushu tại SEA Games 22, HLV nội dung đối kháng đội tuyển võ cổ truyền Bình Định Lê Công Bút cho biết: “Tôi đã tham khảo Luật thi đấu Việt Võ Đài và thấy có nhiều điểm tương đồng với nội dung tán thủ về quy định các đòn hợp lệ và cách tính điểm. Để thi đấu ở các trận đấu Việt Võ Đài, võ sĩ cần có nền tảng thể lực tốt. Tuy đây là giải dành cho các võ sĩ bán chuyên nghiệp, chưa được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia nhưng chúng tôi vẫn có sự chuẩn bị, để khi có giải sẽ sẵn sàng lực lượng tham gia”.
Theo Luật thi đấu Việt Võ Đài, các vùng đánh được tính điểm từ thắt lưng trở lên, ngoại trừ cổ, gáy và yết hầu. Những vùng dưới thắt lưng được phép ra đòn để tiêu hao thể lực đối phương nhưng không được ghi điểm, trong đó, các kỹ thuật đá phá khớp, đá hạ bộ cũng bị cấm. Cũng như Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam mới ban hành, các đòn chỏ, gối được phép sử dụng, nhưng có những hạn chế nhằm giảm tính sát thương cho đối phương. Ngoài việc sử dụng các đòn bắt chân làm mất thăng bằng, ngáng ngã, trong Việt Võ Đài còn cho phép sử dụng các đòn thế vật dân tộc gồm: Ôm, bốc, vật ngã trên sàn đài (không được ném ra ngoài đài không quá 5 giây); sử dụng các thế cắt kéo và tảo địa thuận, nghịch và quét liên hoàn để làm ngã đối phương cũng nhận được 3 điểm. Đây được cho là điểm khác biệt lớn nhất của Việt Võ Đài, được cho là tạo nên sự đa dạng trong đòn thế, giúp các võ sĩ dễ dàng chuyển sang thi đấu một số loại hình võ thuật khác, trong đó có võ tổng hợp MMA.
Tuy nhiên, chính điểm mới mẻ trong quy định của Việt Võ Đài lại là điều gây tranh cãi. Một số võ sư băn khoăn: “Theo chúng tôi, một khi luật thi đấu dành cho một giải võ cổ truyền Việt Nam thì các đòn thế phải thống nhất, mang đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam. Nếu biết vận dụng, quy định phù hợp về những đòn thế được phép sử dụng, võ sĩ có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn, các trận đấu đối kháng võ cổ truyền Việt Nam có thể đem lại sức hấp dẫn lớn với người xem, không cần phải pha trộn những đòn thế của các môn khác. Nếu muốn tạo sức hấp dẫn như các trận đấu MMA, đơn vị có thể phối hợp tổ chức một giải đấu riêng biệt. Để giữ nét đặc trưng riêng cho võ cổ truyền Việt Nam, chúng tôi mong những người có trách nhiệm cân nhắc, sử dụng luật thi đấu như Liên đoàn Võ thuật cổ truyền công bố là phù hợp”.
HOÀNG QUÂN