Từ Than Quảng Ninh nghĩ về bóng đá Việt
Cách đây vài ngày, lãnh đạo CLB bóng đá Than Quảng Ninh đã gửi đơn đề nghị trả lại đội bóng cho tỉnh Quảng Ninh, với lý do không đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Trên mạng xã hội, một số cầu thủ đội bóng đất Mỏ lên tiếng… đòi nợ những khoản tiền lương, thưởng, lót tay mà đội bóng này còn nợ họ từ 1 - 2 năm trước. Sự bức xúc đã lên đến đỉnh điểm, khi các cầu thủ còn dọa kiện CLB ra tòa, hoặc gửi đơn cho Liên đoàn Bóng đá châu Á, Liên đoàn Bóng đá thế giới…
Đây có lẽ không còn là thông tin bất ngờ với những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam, bởi sự bất ổn về tài chính ở CLB Than Quảng Ninh đã xuất hiện từ đầu mùa giải, thậm chí âm ỉ từ năm ngoái. Theo lãnh đạo đội bóng này, tổng số tiền mà CLB còn nợ cầu thủ (trong đó có một số cầu thủ đã chuyển sang CLB khác) và các bộ phận liên quan lên đến khoảng 70 tỷ đồng.
Nằm trong top 6 đội dẫn đầu V-League 2021 sau 12 vòng đấu, nhưng CLB Than Quảng Ninh không còn đủ tài chính để duy trì đội bóng. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Vấn đề của CLB Than Quảng Ninh không hề mới, khi ở mùa giải năm ngoái CLB Khánh Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự, dẫn đến việc đội bóng này phải chuyển nhượng khá nhiều cầu thủ trụ cột. Do đó, từ chỗ là đội đang dẫn đầu bảng ở giải hạng nhất quốc gia ở đầu mùa, đội bóng này dần đánh mất điểm số và không thể thăng hạng. Ngay đầu năm 2021, CLB Cần Thơ cũng lâm vào khủng hoảng tài chính, buộc phải nhờ DN “giải cứu”…
Đảm bảo tài chính để duy trì hoạt động của CLB là vấn đề lớn đối với bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng ngoài một vài đội bóng có nguồn lực đầu tư mạnh từ các DN như CLB Hà Nội, CLB Hoàng Anh Gia Lai, CLB Viettel…, nhiều đội vẫn trong tình trạng “chạy ăn từng bữa”. Cũng vì vậy mà khi VFF quyết định lùi V-League 2021 sang tháng 2.2022, một số CLB như Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng… đồng loạt lên tiếng vì không thể kham nổi chi phí cho những tháng tăng thêm.
Điều đáng nói là cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không có những động thái cụ thể, nhằm đánh giá “sức khỏe” của các đội bóng, đưa ra định hướng hoạt động sao cho đạt được sự ổn định. Ngược lại, họ luôn tìm cách để tăng số đội chuyên nghiệp, trong khi mỗi hạng đấu có sự khác biệt rất lớn về kinh phí. Trong khi đó, các CLB cũng bị đẩy vào những cuộc chạy đua chuyển nhượng, với những khoản tiền lót tay, lương thưởng quá tầm, khiến họ vừa trông hào nhoáng đó nhưng chỉ sau vài tháng lại đứng trước nguy cơ giải thể.
Nếu không nhìn nhận lại và thay đổi cách làm, những trường hợp như CLB Than Quảng Ninh sẽ còn tiếp diễn với bóng đá Việt Nam trong tương lai. Và việc giải đấu đang diễn ra bỗng dưng “biến mất” một đội, dẫn đến xáo trộn kết quả là điều có thể nhìn thấy trước!
LÊ CƯỜNG