Phơi cá dưới chân cầu Thị Nại, ảnh hưởng môi trường và cảnh quan
Từ nhiều tháng nay, tại khu vực chân cầu Thị Nại (TP Quy Nhơn), đầu phía Tây xuất hiện bãi phơi cá tự phát, thường xuyên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.
Một người dân ở khu Đại Phú Gia (gần cầu Thị Nại) cho biết: Một số hộ dân ở nơi khác đến dựng lều cạnh chân cầu Thị Nại để làm nơi ở và trông coi hàng hóa, họ biến khu đất trống dưới chân cầu thành sân phơi các loại hải sản. Hằng ngày, những người này thuê ô tô chở cá tươi thu mua từ các nơi đem đến đây phơi khô, trong quá trình phơi, nước cá chảy lênh láng, mùi hôi thối xông lên rất khó chịu; phần rác thải thì đem vứt hết xuống đầm gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mùa phơi cá của các hộ này thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch. Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường và hoạt động du lịch của TP Quy Nhơn.
Hoạt động phơi cá của nhiều hộ dân tại chân cầu Thị Nại gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: VĂN LƯU
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 23.8, tại đầu cầu Thị Nại phía Tây, hướng bên trái cầu có một con đường đất dẫn đến sân phơi cá rộng khoảng 1.000 m2. Tại đây có nhiều giỏ cá vừa được ô tô chở đến, nước cá chảy tràn lan xuống khu vực sân phơi bốc mùi hôi tanh. Trên sân phơi, hoạt động phơi cá tươi, gỡ cá khô diễn ra nhộn nhịp. Cứ vài chục phút lại có một xe tải nhỏ chở cá tươi tới đổ thêm vào sân phơi.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), xác nhận: Hiện khu vực trên có khoảng 10 hộ dân của xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), phường Đống Đa và phường Nhơn Bình thuê nhân công đem cá tươi tới phơi khô rồi đưa đi tiêu thụ. Đây là sân phơi hải sản tự phát từ nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường. Phường cũng đã tiếp nhận phản ánh của nhân dân, đã nhiều lần cử cán bộ xuống làm việc, vận động người dân không được tổ chức phơi cá tại đây và cam kết không tái diễn. Tuy nhiên, khi lực lượng ra về thì họ lại tiếp tục chở cá đến phơi. “Sắp đến, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, nếu các hộ trên không chấp hành thì sẽ lập biên bản để xử lý theo quy định”, ông Dũng nói.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN&MT), việc để người dân phơi hải sản gây ô nhiễm môi trường kéo dài mà chậm kiểm tra, xử lý là trách nhiệm của phường. Vì vậy, phường phải kiên quyết xử lý, nếu khó khăn vướn mắc thì chủ động thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với ngành chức năng của thành phố xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp vi phạm; tránh tình trạng kiểm tra cho có.
VĂN LƯU