Một lượng lớn ca khúc viết về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nghe những ca khúc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta có thể ôn lại một chặng đường lịch sử của dân tộc đi cùng với những chiến công hiển hách của "Vị tướng 5 sao" cũng như tình cảm của quảng đại người dân đối với Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nghệ sĩ chấp bút, viết nên rất nhiều tác phẩm xúc động. Nghe những ca khúc về Đại tướng, chúng ta có thể ôn lại một chặng đường lịch sử của dân tộc đi cùng với những chiến công hiển hách của "Vị tướng 5 sao" cũng như tình cảm của quảng đại người dân đối với Đại tướng.
Dù không có một cuộc phát động sáng tác nào, nhưng vẫn có một lượng lớn tác phẩm viết về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cho thấy nguồn cảm hứng bất tận và sức sáng tạo của các nghệ sĩ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL
Năm 2017, lần đầu tiên, một tuyển tập âm nhạc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được xuất bản, mang tên "Vị tướng của lòng dân". Tuyển tập bao gồm 91 ca khúc và 8 bản hợp xướng của 84 tác giả được PGS, TS, nhạc sĩ Lân Cường - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội trực tiếp tuyển chọn từ 127 tác phẩm viết về Đại tướng.
Âm hưởng chung của các sáng tác là cảm xúc ngợi ca, tự hào, biết ơn Đại tướng. Ở đó, ta không chỉ thấy hình tượng vị tướng văn võ song toàn, sáng ngời đạo đức cách mạng, giản dị, gần gũi mà còn thấy những lưu luyến, tiếc thương, trân trọng của cả một dân tộc trong thời khắc Đại tướng ra đi như trong các ca khúc “Tự hào thay Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nguyễn Gia Hưng), “Có một khu rừng như thế” (Doãn Nho)...
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tác phẩm hay viết về Đại tướng được nhiều người dân yêu mến như “Hạt cát ấy, bông hoa ấy” (Văn Chừng), “Noi gương anh Cả toàn quân” (Đào Sơn), “Vị tướng già bên cây trầm hương” (Phạm Huy Thanh), “Hát về người Đại tướng của nhân dân” (Lê Gia Hiếu), “Đại tướng của chúng ta” (Nguyễn Lân Hùng)…
Tuyển tập "Vị tướng của lòng dân". Ảnh: CAND
Dịp sinh nhật lần thứ 110 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày mùa Thu tháng Tám này, được nghe những ca khúc về Người khiến chúng ta không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với đất mẹ nhưng những chiến công và cả những ca khúc về Người thì vẫn sống mãi cùng thời gian.
Bên cạnh những nhạc sĩ lão thành, những người có cơ hội được gặp trực tiếp Đại tướng thì cũng có những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ viết và hát về Người bằng sự hiểu biết qua những tư liệu, sách báo, phương tiện truyền thống đại chúng cũng như bằng tình cảm dành cho Đại tướng.
Một trong số đó là ca sĩ Phạm Phương Thảo. Khi nghe tin Đại tướng rời cõi tạm, cũng là lúc Phạm Phương Thảo đang quay hình cho album tại Quảng Bình. Niềm xúc động dâng trào đã giúp cô viết ra những ca từ giai điệu đầu tiên của ca khúc "Đất mẹ ngày về": “Quảng Bình chiều nay nắng không vờn mây/ xác xao ngàn cây, núi sông quặn mình…”.
Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, Phạm Phương Thảo cũng như người dân ở dải đất vùng eo của đất nước, luôn tự hào vì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ca khúc của cô không chỉ là nỗi tiếc thương sâu sắc mà còn là niềm tự hào lớn lao về người anh hùng dân tộc. Trong MV của ca khúc có ghi lại những hình ảnh ngày cả nước tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ.
Ca khúc "Đất mẹ ngày về" (Clip: Phạm Phương Thảo)
Ca sĩ Trang Nhung cũng từng cho ra mắt album "Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp" với 7 ca khúc đều do chính cô sáng tác. Ca sĩ Trang Nhung chia sẻ: "7 ca khúc này tôi đã sáng tác trong một tuần. Tất cả chỉ là cảm xúc dâng trào khi hay tin bác mất và xem lại những tư liệu cũng như hình ảnh đám tang bác".
Abum gần như là một một cuốn phim tư liệu bằng âm nhạc với những câu chuyện khá đủ đầy về vị tướng của dân tộc. Viết về tài năng xuất chúng của đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài "Đức và tài", về tình cảm sâu nặng của tướng Giáp với vợ là "Mối tình cao cả", về cuộc sống hằng ngày của đại tướng là bài "Tướng Giáp và ước mơ bình dị", "Tướng Giáp với thế hệ trẻ", về tình cảm, sự quý trọng của người dân cả nước với tướng Giáp là "Khúc tiễn đưa", "Vầng trăng tướng Giáp", "Ngày về quê mẹ Quảng Bình"...
Cùng chung nỗi tiếc thương khi Đại tướng ra đi, nhiều ca khúc cũng được sáng tác trong thời điểm này là “Đại tướng - Người sống mãi với non sông” của nhạc sĩ Dương Trọng Thành, phổ thơ Vi Sư Đường hay "Sống mãi với thu vàng" - sáng tác của Nguyễn Anh Trí, do ca sĩ Tố Nga thể hiện.
"Sống mãi với thu vàng". (Clip: VTV)
Tác giả Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Ngày 4.10.2013, khi tôi đang đi công tác xa thì nhận được cuộc điện thoại của một người bạn thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trong tôi dâng trào cảm xúc vừa buồn, vừa thương tiếc, xót xa trước vị Đại tướng lừng danh của đất nước chúng ta.
Ngay khi trở về, tôi đã tới số nhà 30 Hoàng Diệu và lặng nhìn dòng người bất tận đi vào nhà viếng Đại tướng… Tôi đã xúc động sáng tác bài thơ "Sống mãi với thu vàng". Bài thơ được nhiều báo đăng lại và tôi cũng nhận được khá nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ, đồng cảm. Từ đó, tôi quyết định phổ nhạc bài hát cùng tên để ca ngợi công lao, sự đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời nói lên sự thương tiếc của cá nhân tôi và toàn thể nhân dân trước nỗi mất mát lớn là sự ra đi của Đại tướng”.
"Ca khúc khắc họa hình ảnh Đại tướng bằng chất liệu dân ca Lệ Thủy - Quảng Bình với ca từ giản dị như lời kể tâm tình, nhớ lại ngày Đại tướng ra đi và ghi nhận chân thực nhất cảm xúc thương tiếc của những người ở lại. Tôi thể hiện ca khúc bằng cảm xúc chân thành từ trái tim như một lời tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tưởng nhớ công lao của Người” - nghệ sĩ Tố Nga tâm sự.
Năm nay, hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người, Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí đã sáng tác ca khúc “Bất tử”, phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nhạc sĩ Lê Đức Trí cho biết, bài hát không chỉ là nỗi lòng của cá nhân anh mà còn của những người lính Biên phòng Quảng Bình với Người.
Qua những sáng tác, có thể thấy được tình cảm dồi dào của những người nghệ sĩ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trải qua năm tháng, “kho tàng” bài hát về Đại tướng sẽ không ngừng đồ sộ và đóng góp xứng đáng cho nền âm nhạc nước nhà.
Theo Thiếu Anh (VOV.VN)