Lào và Việt Nam đều kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng đi lên CNXH
Cả Lào và Việt Nam đều kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó làm cơ sở lý luận cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và cùng tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là bài học quý giá, có ý nghĩa quan trọng mang đặc trưng riêng của Việt Nam. Đó là nhận định của ông Phosy Keomanivong - Tổng Giám đốc Đài Phát thanh quốc gia Lào (LNR), khi trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú tại Lào về bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ông Phosy Keomanivong cho rằng, nội dung bài viết cho thấy lý luận và thực tiễn qua hàng chục năm phát triển của Việt Nam theo mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang đặc điểm riêng của Việt Nam.
Tổng Giám đốc LNR nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy đường lối, mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng là phù hợp nhất, đó là xây dựng hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Tổng giám đốc Đài Phát thanh quốc gia Lào Phosy Keomanivong
Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo ông Phosy Keomanivong, chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi là chủ nghĩa xã hội khoa học. Ông khẳng định, cả Lào và Việt Nam đều kiên định chủ nghĩa Mac-Lenin, coi đó làm cơ sở lý luận cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và cùng tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển, ông Phosy cho rằng, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất và phát triển nhanh trên thế giới. Bất chấp những khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước gặt hái được nhiều thành công to lớn.
Tổng giám đốc LNR cho biết, trước đây Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đảm bảo được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.
Trải qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, cơ bản trên tất cả các lĩnh vực với quy mô GDP năm 2020 đạt gần 350 tỉ USD. Đặc biệt là kinh tế phát triển vượt bậc, xã hội công bằng, người dân có quyền làm chủ bản thân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tổng giám đốc Phosy cũng rất ấn tượng đối với tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm ở Việt Nam giảm 1,5%, đến năm 2020 chỉ còn dưới 3% hộ nghèo, ông cũng hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được thành công trong việc xóa bỏ hộ nghèo. Ngoài ra, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, sức khỏe được nâng cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cùng với đó, tình hình khu vực và thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới; vấn đề dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; sự du nhập của văn hóa phương Tây thông qua nhiều kênh khác nhau, nhất là qua phương tiện Internet, cũng là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tổng giám đốc Phosy bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản , Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu đề ra trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng riêng của Việt Nam. Ông mong rằng, là hai nước xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam mãi bền chặt.
Theo Trần Tuấn- Đặng Thùy (VOV)