Tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản trong bối cảnh dịch bệnh
Chiều 25.8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về vận chuyển nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị đã đưa ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa trong mùa dịch. Đến nay, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố luồng xanh quốc gia, kết nối luồng xanh địa phương vào luồng xanh quốc gia; đồng thời cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR cho 410 nghìn phương tiện hoạt động trên luồng xanh.
Sơ chế và vận chuyển rau an toàn của HTXNN Thuận Nghĩa hỗ trợ các vùng giãn cách ở TX An Nhơn. Ảnh: HTXNN Thuận Nghĩa
Mặc dù đã có hướng dẫn, song tại một số địa phương vẫn chưa thống nhất về danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trong tình hình dịch bệnh; do căng thẳng từ việc e ngại dịch bệnh lây lan tại các chốt kiểm dịch ở một số địa phương đã gây ách tắc không đáng có, khiến việc mua gom, tiêu thụ, lưu thông nông sản gặp khó khăn; ngay cả việc sử dụng kết quả test nhanh hay xét nghiệm RT-PCR cho tài xế cũng chồng chéo, thiếu thống nhất, cùng với đó là hiện tượng lợi dụng phương tiện hoạt động trên luồng xanh để chở hàng hóa không thiết yếu, chở người không đúng quy định.
Tại Bình Định đến nay chưa có tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn trên các tuyến đường. Ngành GTVT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể các địa phương căn cứ vào thực tế để có giải pháp vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa ổn định lưu thông hàng hóa.
Theo ghi nhận tại huyện Hoài Ân, đang vào mùa thu hoạch nông sản, huyện Hoài Ân thành lâp lực lượng riêng thu hoạch nông sản cho người dân vùng giãn cách theo Chỉ thị 16; lực lượng trong vùng đảm nhận việc đưa nông sản đến các điểm tập kết để vận chuyển ra bên ngoài bán giúp cho nông dân. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết, chính quyền cấp huyện làm việc với các địa phương lân cận tạo luồng kết nối, mở tuyến đưa nông sản ra ngoài thị trường, giúp nông dân tiêu thụ nông sản - đặc biệt là heo, gà ra thị trường Đà Nẵng; các vùng trong huyện đều có lực lượng đi chợ giúp dân, thu hoạch giúp dân; vận chuyển nông sản đi bán giúp dân.
Nguồn: BTV
Tương tự, ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết, thị xã tạo điều kiện thuận lợi để phương tiện, hàng hóa đúng quy định đảm bảo lưu thông an toàn nhanh chóng qua địa bàn; riêng trong địa bàn thị xã bố trí 3 điểm tập kết hàng hóa tiếp nhận, phân phối về các vùng; các phường, xã thực hiện giãn cách bố trí lực lượng kết nối với nhóm zalo của người dân để thu hoạch, vận chuyển nông sản. Trường hợp người dân có nhu cầu bán nông sản, lực lượng giúp dân sẽ đảm nhận kết nối đưa nông sản tới các đầu mối thu gom tại điểm tập kết.
Trong khi đó, tại TX An Nhơn sau khi thực hiện giãn cách và phong tỏa ở địa phương có ổ dịch, hoạt động lưu thông được sắp xếp lại. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX An Nhơn tổ chức lực lượng thực hiện việc tiếp nhận lưu thông hàng hóa trong vùng; không để người di chuyển qua các chốt giao nhận hàng hóa vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đáp ứng được hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với việc chống dịch, chúng ta phải đáp ứng “mục tiêu kép”, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh là mắt xích quan trọng trong chuỗi thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chúng ta nói nhiều về tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự xem đây là một ngành đặc thù, nhân viên phục vụ trong ngành này chưa được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19; nếu để các chuỗi vận chuyển tắc nghẽn, chi phí cao đẩy giá thành lên cao, giá bán đến tay người tiêu dùng cao, người dân khó càng thêm khó. Do đó, ở mỗi địa phương nên xem xét lại để miễn giảm các thủ tục, phí, lệ phí cho DN vận chuyển; ưu tiên tiêm vắc xin để nhóm tài xế tiếp tục tham gia, không bị đứt gãy vận chuyển. Bộ đề nghị các địa phương nên rà soát lại, điều chỉnh phù hợp. Phía Bộ GTVT rà soát lại các phần việc liên quan, tiếp tục ứng dụng công nghệ trong cấp mã QR cho phương tiện (rút ngắn từ 24 giờ xuống còn 12 giờ); phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tháo gỡ từng điểm vướng, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, trong đó có nông sản”. Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ
THU DỊU