GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG:
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 36 trường hợp tảo hôn, năm 2020 đã tăng 79 trường hợp. Triển khai giai đoạn 2 của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2025”, 6 tháng đầu năm 2021, còn xảy ra 27 trường hợp tảo hôn.
Những... “lời ru buồn”
Huyện Vân Canh là địa phương có tình trạng tảo hôn nhiều nhất tỉnh với 51 trường hợp (năm 2020: 39 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2021: 12 trường hợp). Đ.T.T (SN 2003, dân tộc Bana, ở làng Hà Giao, xã Canh Liên, sinh trưởng trong gia đình nghèo, đông anh em. Cuối năm 2019, T. bỏ dở chuyện học, đi làm công nhân trồng keo để kiếm tiền. Tại đây, T. quen biết Đ.V.Đ (SN 2003, dân tộc Bana) và nảy sinh tình cảm. Vì thiếu kiến thức nên cả 2 đã quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến có thai sớm và kết hôn khi chưa đủ tuổi. Sau kết hôn, cuộc sống của cặp vợ chồng chồng chất khó khăn khi vừa phải nuôi con nhỏ, vừa chăm lo sức khỏe cho người mẹ trẻ yếu ớt vì sinh sớm.
Diễn đàn tuyên truyền giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh. (ảnh chụp trước ngày 27.4) Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Một trường hợp khác, Đ.T.D (SN 2004, dân tộc Chăm, ở làng Kà Xim, xã Canh Thuận) cũng kết hôn khi đang ở lứa tuổi học sinh. D. bỏ dở việc học, đi làm công nhân rồi cưới chồng khi mới 17 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ sống chung với gia đình của D. - vốn là hộ nghèo lại đông người, hằng tháng phải trông chờ vào tiền trợ cấp. Không nương rẫy, ngày thường, đại gia đình đều ai thuê gì làm nấy, bữa đói bữa no. Mùa dịch, việc làm thuê hạn chế hơn trước, đời sống của gia đình họ càng khó khăn.
Ông Sô Lan Tài, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, cho biết: Thời gian vừa qua, tuy đã ráo riết vào cuộc, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền nhưng vì ảnh hưởng bởi nếp nghĩ cũ, cộng với chế tài chưa thực sự quyết liệt nên tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở đối tượng học sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trường PTDTNT THCS & THPT Vĩnh Thạnh, vẫn còn tình trạng tảo hôn với 3 trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Trong đó, có 2 em là nữ sinh lớp 9 ở xã Vĩnh An và Vĩnh Sơn, 1 nữ sinh lớp 10 tại xã Vĩnh Kim.
Phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ
Hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã không xuất hiện từ năm 2016. Tuy nhiên, tảo hôn vẫn tồn tại, gây hại trực tiếp đến sức khỏe người trong cuộc, ảnh hưởng đến trình độ văn hóa, dân trí, kinh tế của xã hội. Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Tảo hôn đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Để giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ tình trạng này, cần sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành liên quan. Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2025 đã được xây dựng và ban hành, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện công tác này.
Theo đó, công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được đặt lên hàng đầu. Các diễn đàn, hội nghị đã được triển khai tại 20 thôn, làng ở 6 xã thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn. Tại cơ sở, cùng với vai trò quan trọng của già làng, người có uy tín, việc thành lập các tổ tư vấn nhanh về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn được chú trọng.
Song song đó, là việc tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình điểm tại 15 xã khu vực III, xã có đông dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện miền núi. Trong môi trường học đường, các biện pháp, hình thức tuyên truyền được lồng ghép khéo léo vào chương trình học để vừa tạo hứng thú vừa gần gũi với học sinh. Thầy Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Bên cạnh việc lồng ghép kiến thức liên quan vào chương trình học, trường thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, triển khai các hoạt động ngoại khóa như: Sưu tầm nét đẹp hôn nhân người Bana, biểu diễn hoạt cảnh, văn nghệ tuyên truyền...
Bên cạnh đó, việc tiếp cận, xử lý các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật cũng được nhấn mạnh. “Cần tiếp tục đôn đốc các thôn, làng, khu phố chưa đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước và chưa thực hiện cam kết không tảo hôn. Đồng thời, áp dụng chế tài với các trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung nhấn mạnh.
LINH DƯƠNG