Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025: Phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Ngày 5.8.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 43/2021/QÐ-UBND quy định chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, chính thức có hiệu lực từ ngày 20.8.2021. Phóng viên Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) về chính sách, việc triển khai Quyết định số 43 trong thời gian tới.
● Thưa ông, về mục tiêu của chính sách này, nói một cách dễ nhớ là…
- Chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ người sản xuất tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng tập trung, nâng cao hiệu quả, thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng lợi thế, bền vững, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực.
● Như vậy trước đó, ngành Nông nghiệp triển khai công tác xây dựng, nghiên cứu và chuyển đổi diện tích cây trồng tại một số địa phương để tham mưu xây dựng chính sách?
- Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên kết quả chuyển đổi của giai đoạn 2015 - 2020. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cạn trên đất chuyên trồng lúa theo Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, toàn tỉnh chuyển đổi được 7.327 ha đất trồng lúa sang cây trồng cạn.
Mô hình trồng đậu phụng chuyển đổi trên đất kém hiệu quả ở An Lão, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão thử nghiệm. Ảnh: MINH TIẾN
Thực tế cho thấy khi chuyển đổi đất chuyên trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng cạn thì lợi nhuận trên mỗi héc ta tăng từ 4 - 23 triệu đồng so với trước đó. Hơn nữa việc chuyển đổi còn phá thế độc canh cây lúa, luân canh cây trồng, tiết kiệm nước tưới, góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh; đặc biệt là thay đổi rất mạnh mẽ nhận thức của nông dân trong hoạch định đầu tư, sản xuất, điển hình là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngành Nông nghiệp cũng thực hiện chuyển đổi đất sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa theo Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong 3 năm (2018 - 2020) chuyển đổi 3.735 ha. Việc chuyển đổi sang sản xuất 2 vụ/năm, năng suất lúa tăng, giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận tăng 3,6 triệu đồng/ha so sản xuất 3 vụ lúa/năm, giúp tiết kiệm được nước tưới, có thời gian làm đất, cắt nguồn sâu bệnh.
Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ câu cây trồng có đóng góp rất lớn từ hệ thống thủy lợi nội đồng. Với việc đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi đồng bộ, ở một số vùng, nông dân đã bắt đầu chuyển đổi sang cây trồng cạn trên đất trồng mía, trồng mì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng cạn (mì, mía) tại một số địa phương (ở những nơi có nguồn nước tưới chủ động) là phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
● Để chính sách của tỉnh nhanh chóng đi vào thực tế đời sống, sắp tới Chi cục sẽ làm những gì thưa ông ?
- Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tham mưu Sở NN&PTNT dự thảo hướng dẫn triển khai Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung hướng dẫn cây trồng được hỗ trợ theo quy định; điều kiện hỗ trợ giá giống cây trồng cạn thực hiện chuyển đổi sản xuất trên đất trồng lúa, trồng mía, trồng mì theo quy định; điều kiện hỗ trợ thực hiện chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm. Hướng dẫn lập kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn; kế hoạch chuyển đổi tính từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm. Hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán...
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 là 44,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trồng mía, trồng mì hơn 37,4 tỷ đồng; hỗ trợ giá lúa thuần thực hiện chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm hơn 6,9 tỷ đồng.
Về cơ chế hỗ trợ, đối với TP Quy Nhơn - ngân sách thành phố tự đảm bảo 100% kinh phí thực hiện; đối với 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão - ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí; đối với các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân - ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí, ngân sách huyện hỗ trợ 30% kinh phí; đối với TX An Nhơn, Hoài Nhơn - ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, ngân sách thị xã hỗ trợ 50% kinh phí.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)